1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Phòng, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, thao túng chính sách”

(Dân trí) - Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 chỉ rõ, thời gian qua đã xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý Nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Nghị quyết số 10 Trung ương 5 nhấn mạnh quan điểm xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.
Nghị quyết số 10 Trung ương 5 nhấn mạnh quan điểm xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.

Còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân

Theo đánh giá tại nghị quyết, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Khu vực này góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế, yếu kém. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp... Nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.

Nghị quyết cũng chỉ ra tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến. Tình trạng sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; gian lận thương mại… diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp của tư nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài.

“Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý Nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành ‘lợi ích nhóm’, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân", nghị quyết nêu.

Trong khi đó, nhiều quy định của pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm. Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến.

Nghị quyết Trung ương 5 khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu (Ảnh: VGP)
Nghị quyết Trung ương 5 khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu (Ảnh: VGP)

Ngăn chặn thao túng chính sách, trục lợi bất minh

Do đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.

Đặc biệt, phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nghị quyết cũng khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Đồng thời, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá hoặc Nhà nước thoái vốn.

Từ đó đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%.

Bích Diệp