Phó Thủ tướng tiết lộ phút “cân não” trong đàm phán tại APEC

(Dân trí) - Để ra được Tuyên bố Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC vừa qua, các hoạt động đàm phán và thương lượng giữa các nền kinh tế vô cùng khó khăn, căng thẳng. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiết lộ đã có những lúc tưởng như vô vọng, song kết quả đã đến vào phút chót.

Chiều 13/11, tại cuộc trao đổi hậu Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 6-11/11, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có nhiều chia sẻ mà theo ông là “rút ruột”.

Những “nút thắt” khó gỡ

Tại APEC, đã có những “nút thắt” khó gỡ về quan điểm của Mỹ, Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực kinh tế APEC. Ở đó, có những điểm đồng và những điểm khác nhau, nhưng khác nhau cơ bản là hệ thống thương mại đa biên, là tự do thương mại (tự do mở, cân bằng hay có đi có lại), thương mại điện tử, những vấn đề liên quan đến các khía cạnh về tạo thuận lợi cho đầu tư.

“Đó cũng là lí do tại sao Tuyên bố cấp cao và liên Bộ trưởng bị chậm hơn so với kế hoạch, đã phải mất 6 ngày 5 đêm “ròng rã” thương lượng mới ra được văn kiện này” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, lẽ ra Hội nghị liên Bộ trưởng ngày 8/11 khi kết thúc phải thông qua được văn kiện của cấp Bộ trưởng, cũng như trình văn bản lên Hội nghị cấp cao thông qua, thế nhưng đến cuối ngày chưa đạt được.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Trên thực tế, trong chương trình chính thức của Tuần lễ cấp cao APEC, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC chỉ diễn ra trong buổi sáng ngày 8/11, lịch họp báo quốc tế là chiều cùng ngày nhằm thông báo kết quả Hội nghị liên Bộ trưởng, nhưng cuộc họp báo này phải hoãn lại tới chiều ngày 9/11.

“Chúng tôi phải quyết định kéo dài cuộc họp để các cấp thẩm quyền tiếp tục thương lượng. Và dù đã làm việc qua đêm đến hết sáng ngày hôm sau, nhưng quá trình thương lượng vẫn chưa đạt được kết quả. Lí do là quan điểm còn khác rất nhiều về chấp nhận thương mại, tự do công bằng hay cân bằng có đi có lại và nhiều vấn đề khác", Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng thông tin: "Khi chấm dứt cuộc họp liên Bộ trưởng, tôi đã phải đi trao đổi với tất cả các đoàn về chấp nhận phương án việc tạm thời thông qua nguyên tắc, sẽ có tuyên bố cấp Bộ trưởng và tuyên bố cấp cao, tiếp tục dành thời gian cho các cấp làm việc thêm. Tôi cũng nói rõ, không phải các nước đến đây rồi đi về mà không có tuyên bố của Hội nghị cấp cao, vì vậy yêu cầu các nước phải hợp tác, linh hoạt hết sức để cùng nhau xây dựng văn bản".

Kịch tính vào phút chót

Trong bối cảnh cần phải có phương án, các nước cũng cần phải có tuyên bố hội nghị. Qua quá trình thương lượng và rất nhiều cuộc tham vấn với trưởng đoàn của các nước, cuối cùng đi đến tạm chấp nhận thông qua nguyên tắc.

Đêm 10/11 - trước khi diễn ra Hội nghị của lãnh đạo các nền kinh tế, Hội nghị liên Bộ trưởng đã đạt được sự đồng thuận và ra văn bản. Ngôn ngữ trong văn kiện công bố được cho là mạnh mẽ hơn của Hội nghị Thượng đỉnh của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) diễn ra hồi tháng 7 vừa qua tại Đức.


Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thống nhất và ra Tuyên bố Đà Nẵng.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thống nhất và ra Tuyên bố Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, trong bối cảnh hiện nay, Tuyên bố Đà Nẵng của lãnh đạo các nền kinh tế APEC là rất quan trọng và mạnh mẽ, cụ thể: “Chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm”. Hay: “Chúng tôi nhắc lại cam kết không gia tăng bảo hộ đến hết năm 2020, và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm mọi tập quán thương mại không công bằng, và ghi nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp”…

“Riêng những câu này đưa được vào văn kiện đã là rất khác biệt so với tuyên bố của các nước G20, trước đó các nước G20 đã không thể thương lượng được để ra văn kiện với tuyên bố mạnh mẽ như APEC tại Đà Nẵng. Điều này khẳng định rõ, APEC vẫn là nơi thoả thuận cơ chế về vấn đề tự do thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Với Hiệp định Đối tác xuyên thái Bình Dương (TPP), đây là hiệp định tự do thương mại với tiêu chuẩn cao. Phó Thủ tướng thừa nhận, sau khi Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm, phải tới tháng 5/2017 tại hội nghị ở Việt Nam 11 nước còn lại trong TPP mới quyết định tiếp tục thương lượng để đạt được các hiệp định thương mại với tiêu chuẩn cao.

Theo Phó Thủ tướng, tại Hội nghị cấp cao APEC, các nước, các Bộ trưởng, các nhà đàm phán đã đạt được sự thống nhất cơ bản. Tuy nhiên, đến phút chót thì TPP không họp được do thiếu 1 thành viên.

“Theo sáng kiến của Việt Nam, 10 nước trong TPP quyết định giao cho các Bộ trưởng tiếp tục họp để có được thoả thuận trong TPP, và cuối cùng đã ra được tuyên bố về TPP” - Phó Thủ tướng nói.

Châu Như Quỳnh