1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ông Triệu Tài Vinh: Tư thương Trung Quốc ép giá, lũng đoạn thị trường nông sản việt

(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhận xét, mối quan hệ thương mại vừa qua giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có những thỏa thuận ký kết cụ thể nào, cho nên hàng nông sản của Việt Nam luôn bị tư thương Trung Quốc ép giá, lũng đoạn thị trường, tăng giá đột biến, dừng hợp đồng đột ngột.

Góp ý kiến với Quốc hội về nội dung tái cơ cấu nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang cho rằng, để xây dựng được một nền nông nghiệp sạch thì cần phải nghiêm khắc hơn trong việc quản lý các hợp chất hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đánh giá của vị đại biểu, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật cả về chất lượng, về giá cả, về mục đích cũng như kỹ thuật sử dụng đều sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

"Chúng ta đã thành công trong việc cấm pháo vào dịp tết và thực tế chúng ta đã thành công. Vì vậy, chúng ta có thể áp dụng đối với thuốc bảo vệ thực vật được không?", ông Vinh đặt vấn đề.

Bí thư Tỉnh Ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang
Bí thư Tỉnh Ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng bày tỏ mối lo ngại khi Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc. Ông Vinh cho rằng, tuy Trung Quốc là một thị trường rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng là một thị trường lớn của Trung Quốc.

"Song, mối quan hệ thương mại vừa qua giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có những thỏa thuận ký kết cụ thể nào. Cho nên hàng nông sản của chúng ta luôn bị tư thương Trung Quốc ép giá, lũng đoạn thị trường, tăng giá đột biến, dừng hợp đồng đột ngột", ông Vinh phản ánh.

Do vậy, vị đại biểu đề nghị, Việt Nam cần đề xuất chương trình hợp tác thương mại biên giới ký kết hai bên để hoạt động thương mại, kinh tế biên mậu lành mạnh hơn, hiện nay Hiệp định thư hai bên đã hết hạn.

Tiếp cận vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, ông Triệu Tài Vinh cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất. Vậy tổ chức lại sản xuất như thế nào khi nền kinh tế thị trường len lỏi chi phối mọi mặt đời sống của xã hội, trình độ, điều kiện sản xuất của người nông dân giữa các vùng, miền trong cả nước có khác nhau?

Vị đại biểu nêu, thời bao cấp, chúng ta đánh kẻng đi làm lấy công, sản phẩm chia theo công điểm, tư liệu sản xuất, công cụ sản xuất là của tập thể, kế hoạch sản xuất là chỉ tiêu giao, năng suất lao động thấp, sản phẩm không đa dạng. Đến thời kỳ kinh tế thị trường, tư liệu sản xuất, công cụ sản xuất, kế hoạch sản xuất thuộc về nông hộ, thị trường điều tiết quá trình sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, sự điều tiết đó lại làm cho cấu trúc nông thôn, làng xã trở lên lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp của người nông dân hiệu quả thấp, người nông dân luôn thuộc nhóm yếu thế trong cơ chế thị trường.

"Đây chính là vấn đề mà chúng ta phải tổ chức lại sản xuất cho người nông dân nói chung, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trước cơn bão của thị trường", ông Vinh nhận định.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, địa phương này hiện đã cơ cấu lại tổ chức nhất thể hóa các chức danh của thôn, đồng thời vốn hóa tài nguyên, cơ sở vật chất thôn để tiếp cận tín dụng cho phát triển thôn, bản.

"Chúng tôi gọi mô hình này là mô hình hợp tác xã có hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp. So với mô hình hợp tác xã kiểu mới hướng đến lợi ích một nhóm thì mô hình này là hướng đến hiệu quả sản xuất của mọi người trong thôn, bản, đảm bảo nơi nào có tổ chức Đảng thì sẽ có sự thay đổi về kinh tế", ông Vinh cho hay.

Bích Diệp