1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Ông Lý Xuân Hải và bài toán cân đối tài chính của công ty bầu Đức

Mặc dù đã thoát được khoản lỗ của năm 2016, nhưng công ty của bầu Đức đang lâm vào ma trận giữa vay và cho vay, tình trạng mất cân đối tài chính. Mời ông Lý Xuân Hải về, bầu Đức kỳ vọng nhà hoạch định chiến lược mới này sẽ giúp HAGL thay đổi.

Quyết định mời ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc ACB làm Trưởng Ban chiến lược trực thuộc HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh là “vị trí vô cùng quan trọng của doanh nghiệp" và "tôi đặt niềm tin rất lớn vào khả năng định hướng của anh ấy”.


Ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc ACB làm Trưởng ban Chiến Lược trực thuộc HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: IT)

Ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc ACB làm Trưởng ban Chiến Lược trực thuộc HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: IT)

Bầu Đức gọi kết quả này là “cái bắt tay lịch sử” của một hành trình dài chia sẻ và thấu hiểu. “Tôi nghĩ không cần phải nói nhiều về Lý Xuân Hải. Ai cũng hiểu rõ khả năng của anh ấy. Bản thân tôi cũng rất trân trọng tài năng của anh Hải mới có thể kiên trì theo đuổi để có được cộng sự này”, bầu Đức chia sẻ.

Nan giải bài toán mất cân đối tài chính

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2017 đạt 6.335 tỷ đồng và lợi nhuận gộp kế hoạch là 2.185 tỷ đồng. Tuy nhiên luỹ kế đến hết quý III, mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp ghi nhận lần lượt là 3.998 tỷ đồng và 1.264 tỷ đồng, tương ứng mới đạt 63,10% và 57,85% kế hoạch.

Trong đó, phần lớn các mảng kinh doanh chính của công ty như chăn nuôi bò, trái cây, cao su đều cách chỉ tiêu kế hoạch được giao khá xa. Chỉ có doanh thu thuần các ngành khác bao gồm doanh thu cung cấp dịch vụ khác, doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, doanh thu căn hộ và doanh thu từ các sản phẩm ngành đường là vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Ông Lý Xuân Hải và bài toán cân đối tài chính của công ty bầu Đức - 2

Trong nhóm các ngành khác, chiếm tỷ trọng lớn là doanh thu cung cấp dịch vụ khác liên quan đến dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai – Myanmar, do diện tích cho thuê đã gần lấp đầy nên đã khai thác được các sản phẩm dịch vụ đi kèm.

Mặc dù vậy, vấn đề cấp bách hơn cả của doanh nghiệp vẫn là giải quyết tình trạng mất cân đối tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa góp phần vào khoản lỗ nghìn tỷ của HAGL trong năm 2016 và vẫn còn tiếp diễn.

Theo Báo cáo tài chính quý III/2017, HAGL có vốn chủ sở hữu 18.140 tỷ đồng và vốn vay dài hạn 23.227 tỷ đồng không đủ tài trợ cho tài sản dài hạn lên tới 44.872 tỷ đồng nên phải dùng một phần vốn ngắn hạn để tài trợ. Điều này sẽ khiến công ty gặp khó khăn về dòng tiền thanh toán nợ, thậm chí mất khả năng thanh toán.

Nhìn vào danh mục đầu tư của HAGL, không khó để nhận ra công ty đầu tư dàn trải nhiều dự án quy mô lớn bằng vốn vay. Chẳng hạn như dự án cây công nghiệp dài ngày: Cao su và dầu cọ, tổng đầu tư cho hơn 47.000 ha cao su và 28.000 ha dầu cọ của HAGL tính tới cuối 2016 là hơn 15.000 tỷ đồng trên hơn 27.000 tỷ đồng tài sản cố định. Ngoài ra còn gần 14.000 tỷ đồng vẫn nằm ở tài sản dở dang chỉ bắt đầu đi vào khai thác vào năm 2018.

Thời điểm HAGL đầu tư vào cao su, giá cao su lên đến đỉnh điểm 6USD/tấn sau đó rớt xuống quanh mức 1.500 USD/tấn. Với giá thành sản xuất mỗi tấn mủ cao su là 1.200-1.400 USD, doanh nghiệp gần như đang khai thác mủ trong tình trạng hoà vốn, trong khi chi phí bỏ ra cho việc trồng và chăm sóc 47.000 ha là rất lớn khiến cho doanh thu không đủ bù chi phí sản xuất.

Đến nay, các khoản nợ phải trả của HAGL vẫn còn cao với hơn 34.670 tỷ đồng; chiếm 65,65% tổng tài sản cộng hưởng với tình trạng mất cân đối tài chính nên công ty luôn gặp phải áp lực thanh toán.

Như vậy, bài toán khó đặt ra cho ông Lý Xuân Hải khi về tiếp nhận vị trí mới tại HAGL có lẽ không phải là con số kế hoạch kinh doanh mà là giải quyết tình trạng mất cân đối tài chính của doanh nghiệp.

Ma trận giữa vay và cho vay

Mặc cho khoản nợ phải trả cao đang phải gánh và gặp phải tình trạng mất cân đối tài chính, HAGL vẫn dùng vốn kinh doanh để tiếp tục “đầu tư” cho vay nội bộ đối với các công ty con, thậm chí cả cán bộ công ty. Thuyết minh báo cáo tài chính đem đến cho người đọc cảm giác như bị lạc vào ma trận giữa vay và cho vay.

Theo đó, HAGL đang là “con nợ” của một loạt ngân hàng như VPBank, BIDV, Sacombank, ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Eximbank, HDBank, Tienphong Bank đồng thời cũng vay trái phiếu nhiều công ty khác như Công ty CP Chứng khoán Euro Capital, Công ty CP Chứng khoán Phú Gia, Công ty CP Chứng khoán ACB, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT...

Tính đến 30/9, tổng vay nợ của HAGL là 25.955 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng khoảng 10.648 tỷ đồng và chi 1.131 tỷ đồng để trả lãi vay trong 9 tháng qua. Như vậy, bình quân mỗi ngày Bầu Đức phải chi 23,87 tỷ đồng tiền lãi vay.

Tuy nhiên, HAGL lại là “chủ nợ” chuyên cho vay các bên liên quan. Trong đó, khách hàng vay lớn nhất là Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai và Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Phú.

Đáng chú ý, các Hợp đồng tín dụng của HAGL với Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Phú đều là Hợp đồng tín chấp, độ rủi ro cao do không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra còn có một Hợp đồng hạn mức 700 tỷ đồng không lãi suất cho thấy dòng vốn bỏ ra không đem lại hiệu quả.

Con số dư nợ các bên liên quan thời điểm quý III/2017 lên đến là 11.533 tỷ đồng, nếu như thu hồi (trừ khoản cho vay dài hạn Dự án sân bay quốc tế Attapeu của Chính phủ Lao) thì cũng giải quyết được phần nào khoản nợ phải trả hơn 34.000 tỷ đồng và có thể Bầu Đức đã không phải bán tài sản như Mía đường Hoàng Anh Attapeu cho ông Đặng Văn Thành để tái cơ cấu nợ.

Có lẽ khi nhận lời ông Lý Xuân Hải đã hiểu rất rõ thực trạng của HAGL và thị trường cũng đang kỳ vọng về sự thay đổi của HAGL từ làn gió mới này.

Theo Vân Anh
Dân Việt

Ông Lý Xuân Hải và bài toán cân đối tài chính của công ty bầu Đức - 3