1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ông Đoàn Văn Vươn đi tiếp thị vịt sạch và nghĩ đến chuyện hội nhập TPP

(Dân trí) - Không ai nghĩ đây là cách nghĩ, cách làm của một người từng là phạm nhân trong hành trình trở về làm lại cuộc đời, khao khát làm một người nông dân hội nhập

Ông Vươn tiếp thị vịt biển sạch tại Hà Nội
Ông Vươn tiếp thị vịt biển sạch tại Hà Nội

Làm nông nghiệp sạch là nung nấu cả đời tôi

Ngay sau ngày được đặc xá về quê, ông Đoàn Văn Vươn - người từng bị kết án 5 năm tù giam vì các tội danh “giết người”, “chống người thi hành công vụ” trong vụ việc cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng gây rúng động dư luận năm 2012 nhưng đã cải tạo tốt và được đặc xá sau 3 năm 7 tháng ngồi tù - tiếp tục gây dựng lại cơ nghiệp, nghề nông truyền thống trên chính quê hương của mình.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Vươn khẳng định: Từ khi trở về, tôi không đi làm gì khác, chỉ có điều cách nghĩ và cách làm của tôi cũng đã khác trước, tôi muốn sau biến cố cuộc đời mình, người ta dần quên hoặc thay đổi cách nghĩ về mình: không còn nhắc đến ông Vươn với sự việc nơi Tiên Lãng mà thay vào đó là ông Vươn nuôi vịt sạch, ông Vươn hội nhập.

Mới đây, việc ông này mặc áo vest, đứng ra tiếp thị trực tiếp hàng trăm con vịt tại một cửa hàng ở phố Trần Quang Diệu, Hà Nội khiến nhiều người chú ý. Và mừng rỡ hơn nữa là người nông dân ấy đang khao khát hơn ai hết đưa giá trị nông nghiệp của mình sản xuất bay cao, bay xa hơn.

"Tôi không bao giờ chuyển nghề nông, tôi vẫn muốn làm lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi theo hướng bền vững, hướng tới sản phẩm sạch và an toàn. Đây là việc nung nấu cả đời của tôi, những năm tháng ở trong trại giam, tôi luôn đau đáu mong ngày trở về để thực hiện", ông Vươn chia sẻ.

Ông Vươn kể: Bản thân tôi đã được theo học nghề nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, tôi đã tìm hiểu những loại vịt phù hợp với vùng nước mặn lợ nơi gia đình tôi đang sinh sống. Thật may lúc đó bạn bè tôi giới thiệu giống vịt biển nên tôi bắt tay vào nuôi thử 100 con, tôi thấy giống vịt này phát triển rất tốt, nên đã mua thêm 1.000 con giống, sau 2 tháng trời, đàn vịt tăng trưởng tốt, trung bình mỗi con nặng 2 kg.

Theo ông Vươn, lý do ông chọn nuôi vịt biển vì nó thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình, nơi có nguồn nước thường xuyên biến động bởi mặn. Qua thời gian thực tế, con vịt biển thích nghi rất tốt, sức chịu đựng bệnh tật, tăng trưởng nhanh, cho phép đáp ứng được quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, trứng thơm.

Suy nghĩ về chuyện hội nhập TPP!

Khi được hỏi, vì sao ông chọn thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn”, ông Vươn tâm sự: Tôi dùng tên này như một sự trả ơn của tôi với xã hội sau khi trở về cuộc sống đời thường. Tôi biết một số người đã từng gây chú ý dư luận đứng ra kinh doanh, đưa một số sản phẩm ra thị trường có người thành có người bại. Nhưng với tôi, được thực hiện khát vọng đã là mơ ước đời mình rồi.

Ông Vươn chia sẻ, mấy tháng sau từ ngày được đặc xá về quê, gia đình ông đã có hơn 1.000 con vịt biển trưởng thành, sẵn sàng cung ứng ra thị trường, với giá bán trung bình 180.000 đồng/con.

Cũng như rất nhiều người nông dân đứng lên khởi nghiệp bằng nghề nông, cái khó nhất đối với ông Vươn là vốn. Bên cạnh đó, khởi nghiệp làm lại cuộc đời khi đã ở tuổi 50 lại với quá khứ tù tội, khiến ông gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Do đó, những khoản tiền để đầu tư mở rộng sản xuất chủ yếu phụ thuộc vay mượn anh em, gia đình và bạn bè.


Những con vịt biển của ông Vươn nuôi theo mô hình sạch

Những con vịt biển của ông Vươn nuôi theo mô hình sạch

"Tôi đang rất cần vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cho việc nuôi vịt biển. Tiền ném vào đầm cứ như muối đổ bể. Chỉ tính công phát quang, đào đắp bờ đầm, dọn sạch cỏ... cũng toàn tiền trăm triệu. Tới đây tôi sắp phải làm nhà cho vịt đẻ, cũng tốn tiền trăm triệu đồng. Tôi rất muốn được vay ngân hàng, nhưng tôi biết, ngân hàng sẽ khó giải ngân vì họ đòi hỏi tài sản thế chấp...", ông Vươn chia sẻ.

Đối với con vịt biển, ông Vươn cho biết đây là loài dễ nuôi song để tuân thủ quy trình sản xuất, hướng đến cung ứng ra thị trường và trở thành mặt hàng xuất khẩu là điều hoàn toàn có thể làm được. Ông chia sẻ: “Muốn làm lớn, tôi cần đầu tư lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, quy trình từ hệ thống sản xuất thức ăn, kho lạnh, chuồng trại, khu giết mổ, nhân giống vịt…”.

Ngoài nuôi vịt biển, ông Vươn còn có diện tích nuôi tôm, cá dưới nước, trồng sả trên diện tích hơn 10ha của mình.

Nguyễn Tuyền

Ông Đoàn Văn Vươn đi tiếp thị vịt sạch và nghĩ đến chuyện hội nhập TPP - 3