Ông Đặng Thành Tâm: "Con của tôi cũng mua nhà ở Mỹ vì đang theo học tại Mỹ"
(Dân trí) - Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn cho rằng, trong bối cảnh mở cửa hội nhập, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Mỹ từ những năm 2000 chứ không phải đợi tới thời điểm này. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã có đầu tư vào bất động sản Mỹ.
Trao đổi bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng về cơ hội làm ăn giữa Việt Nam và Mỹ sau chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Donald Trump, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cho biết, theo đoàn của ông Trump là các công ty và tập đoàn lớn của Mỹ, trong đó có cả Tập đoàn lớn muốn gặp lãnh đạo Việt Nam để kiến nghị những vấn đề nhằm thúc đẩy đầu tư.
"Không chỉ là đầu tư trực tiếp mà còn là đầu tư gián tiếp. Mỹ rất mạnh về đầu tư gián tiếp với thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Giao dịch một ngày ở thị trường này có thể gấp nhiều lần GDP của một quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường tốt, hết sức cởi mở và năng động và thuộc nhóm đứng đầu về đổi mới trong ASEAN", ông nói.
Chia sẻ về việc đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ, ông Tâm cho biết: "Thực tế, chúng tôi đã làm việc cùng các doanh nghiệp Mỹ từ nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ. Các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Việt Nam hay các trường đại học Việt Nam có quan hệ giao lưu hợp tác với các đại học của Mỹ. Không chỉ sinh viên Việt Nam sang học ở Mỹ mà sinh viên Mỹ cũng tới Việt Nam để học về văn hóa".
Theo ông Tâm, với dân số 100 triệu người, nhu cầu của người dân Việt Nam hiện cũng tăng lên rất mạnh mẽ. Năm ngoái, một báo cáo cho thấy Việt Nam là một trong số các quốc gia đổ tiền nhiều nhất cho việc mua nhà ở Mỹ.
"Mua nhà hay đầu tư cho giáo dục thì cũng đều là đầu tư. Con của tôi cũng mua nhà ở Mỹ vì đang theo học tại Mỹ. Không chỉ mình tôi mà nhiều doanh nghiệp khác nữa cũng đổ tiền vào bất động sản Mỹ. Chúng tôi là những nhà đầu tư, tham gia vào việc đầu tư ở Mỹ từ những năm 2000 chứ không đợi tới bây giờ. Tôi không chỉ đầu tư vào Mỹ mà còn có một nhà máy sản xuất đồng hồ ở Đức, các công ty ở Nhật Bản, Singapore hay Đài Loan, Trung Quốc", ông nói.
Tuy nhiên,ông Tâm cũng nhìn nhận, điều mà nhiều doanh nhân và người dân trong khu vực quan tâm lúc này chính là câu chuyện tương lai Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Vấn đề cốt lõi của APEC vẫn là tự do, thuận lợi hóa thương mại. Chúng tôi kỳ vọng TPP như một làn sóng mới quay trở lại, một khí thế mới quay trở lại chứ không như thời kỳ ông Donald Trump mới nhậm chức", ông nói.
Theo thành viên Hội đồng tư vấn ABAC: "Việt Nam kỳ vọng APEC lần này sẽ mang lại một làn sóng mới về tự do hóa thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, hy vọng khi ông Trump đến, ông ấy sẽ cảm nhận được bầu không khí đó. Ông Trump từng có các hoạt động ở châu Âu và các quốc gia lớn nhưng chưa khi nào dự các sự kiện ở các nước châu Á đặc biệt là khu vực ASEAN như Việt Nam".
"Vấn đề về TPP cũng đã được chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần nữa thuyết phục ông Trump. Trong báo cáo của ABAC, chúng tôi không chỉ đề cập tới TPP mà bám sát mục tiêu chính của APEC là thuận lợi hóa thương mại đầu tư. Đây là mục tiêu từ những ngày đầu thành lập APEC và Mỹ có vai trò rất lớn. Đây không phải chuyện riêng của Tổng thống Trump mà là chuyện của toàn nước Mỹ. Chúng tôi nhắc lại những điều cốt lõi đó", ông cho biết.
Phương Dung