Ô tô 1-5 được hoạt động thêm 18 tháng trước "giờ phán xét"

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời về trường hợp Công ty Cổ phần ô tô 1-5 (Đông Anh, Hà Nội) có thắc mắc về việc đáp ứng điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực ngay ngày 17/10.

Được biết, Nghị định 116 có nhiều quy định khá "ngặt" về cơ sở sản xuất, lắp ráp và bảo dưỡng xe hơi đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe hơi. Điều này khiến nhiều DN có thắc mắc và cần tham vấn các cơ quan liên quan.

Một chiếc xe buýt được sản xuất Công ty ô tô 1-5 sản xuất
Một chiếc xe buýt được sản xuất Công ty ô tô 1-5 sản xuất

Cụ thể, trong văn bản trả lời DN, Bộ Công Thương dẫn Khoản 1, Điều 31, Nghị định 116 nêu rõ: "Các DN sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Sau thời gian trên, các DN phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này".

Vì vậy, xét hồ sơ của Công ty ô tô 1-5, đồng thời thực hiện quy định tại Nghị định 116, Bộ Công Thương cho biết: Công ty ô tô 1-5 được tiếp tục thực hiện việc sản xuất, lắp ráp ô tô khách nhãn hiệu Transinco và Hyundai theo Quyết định số 3256/UB-CN tháng 8/2005 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc xác định công ty này đủ quy định tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô ban hành cùng các quyết định kèm theo.

Tuy nhiên, sau thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định 116 chính thức có hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty ô tô 1-5 thực hiện theo các quy định tại Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh lắp ráp, sản xuất xe ô tô.

Công ty ô tô 1-5 chuyên thiết kế, chế tạo lắp ráp ô tô khách, ô tô buýt, ô tô tải và các thết bị công trình. Đây là một công ty đầu đàn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thuộc tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam. Sản phẩm dễ nhận biết nhất của công ty này là hệ thống các loại xe buýt công cộng của Hà Nội và một số địa phương phía bắc.

Được biết, tại Nghị định 116, có nhiều Điều, Khoản là các điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường với các DN xe hơi, trong đó quy định rõ về cơ sở vật chất, bảo hành, bảo dưỡng đối với các nhà sản xuất, lắp ráp xe hơi. Tại Nghị định này, nếu các DN mới, kể cả các DN cũ từng lắp ráp xe hơi nhiều năm trước nếu không đáp ứng được chỉ sau 18 tháng sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận điều kiện sản xuất, lắp ráp.

Cụ thể, tại Điều 7 về Điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, Chính phủ nêu rõ DN phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, sơn và kiểm tra chất lượng... Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của DN hoặc do ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý được ủy quyền.

Cơ sở vật chất tại công ty phải có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô được cấp thẩm quyền phê duyệt...

Ngoài ra, từ Điều 8 đến điều 10 quy định rõ về các thủ tục cấp phép cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô. Tại Điều 11, Luật quy định kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất khi nhận được phản ánh về vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh và có văn bản yêu cầu của cơ quan chức năng.

Ở Điều 12, Luật quy định rõ các trường hợp DN bị tạm dừng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô khi: Không duy trì các điều kiện kinh doanh, không thực hiện triệu hồi xe, bảo hành xe và thu hồi xe thải bỏ.

Đặc biệt, các DN cung cấp thông tin không chính xác, hoặc giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hay không triển khai hoạt động trong 12 tháng liên tục khi được cấp phép… đều bị thu hồi các chứng nhận về sản xuất, lắp ráp ô tô.

Nguyễn Tuyền

Ô tô 1-5 được hoạt động thêm 18 tháng trước "giờ phán xét" - 2