Nữ doanh nhân: Muốn thành công phải có chồng tử tế

(Dân trí) - Nhiều nữ doanh nhân cho rằng, nếu muốn thành công, phải biết tập trung vào những thế mạnh của riêng mình. Phải tạo ra môi trường hành động và viết lại "luật chơi" cho phụ nữ trong môi trường công việc. Và quan trọng, hãy chọn chồng một cách tử tế.

Không là "đồ đàn bà", công dân hạng 2

Tại sự kiện Women's Summit 2017, nhiều nữ doanh nhân, nhà ngoại giao... đã chia sẻ thẳng thắn về vai trò của phụ nữ và lan tỏa niềm cảm hứng kinh doanh, lãnh đạo cho phụ nữ trong thời đại mới.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu đã đưa ra con số đáng báo động về "nữ quyền". Theo đó, nước ta có ý thức đưa khái niệm bình đẳng giới rất sớm vào các văn bản chính trị của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, Việt Nam đang đi trước về sau khi các nước ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ. Điển hình Philippines đứng thứ 7, Lào đứng thứ 25, Việt Nam thua cả Lào khi đứng ngoài top 50.

"Bình đẳng giới của chúng ta có tiến bộ, có thành tựu nhưng không xứng đáng với tiềm năng. Chúng ta bớt tự mãn đi. Đừng tưởng ngon lành. Chúng ta đang về muộn và tụt hậu...", bà Ninh nói.


Tại sự kiện Womens Summit 2017, nhiều nữ doanh nhân, nhà ngoại giao... đã chia sẻ thẳng thắn về vai trò của phụ nữ và lan tỏa niềm cảm hứng kinh doanh

Tại sự kiện Women's Summit 2017, nhiều nữ doanh nhân, nhà ngoại giao... đã chia sẻ thẳng thắn về vai trò của phụ nữ và lan tỏa niềm cảm hứng kinh doanh

Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch CSAGA - trung tâm nghiên cứu về gia đình, phụ nữ, bình đẳng giới cho rằng, phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ. Không chỉ ở nông thôn mà ngay cả trong gia đình ở thành thị, gia đình trí thức vẫn tồn tại bạo lực. Nhiều bạn nữ trẻ dám tự do sống với điều mong ước nhưng cũng có không ít bạn chọn con đường dễ dàng như lấy người giàu có để kinh tế tốt hơn nên bị khinh rẻ, coi thường, bạo lực.

Bà Vân Anh kể, cách đây 20 năm, một phụ nữ có vị trí trong xã hội gọi đến trung tâm của bà trong giọng nức nở. Người phụ nữ ấy có quyền lực ngoài xã hội, cơ quan nhưng khi về nhà phải rửa chân cho chồng, pha nước cam, mắc màn lúc ngủ... Quan niệm của người chồng là: "Cô đi đâu, làm gì đi nữa thì về đây chỉ là vợ tôi".

"Câu chuyện 20 năm trước tưởng đã khép lại nhưng không ngờ, bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục nghe nhưng câu chuyện tương tự. Thậm chí, các nạn nhân trẻ hơn nhiều", bà Vân Anh kể.

Chuyên gia này cũng cho biết, có ông chồng mình khi ở Mỹ thì chịu khó rửa bát nhưng về Việt Nam là oai hùng đi uống bia, việc đón con, rửa bát, lau nhà... là của vợ. Bên Mỹ, nếu không chịu chia sẻ việc gia đình thì bị kỳ thị còn ở Việt Nam sẽ nói là loại... đàn ông mặc váy.

"Khuôn mẫu giới không thay đổi. Vẫn cho rằng, phụ nữ phải lùi lại phía sau, là công dân hạng 2, là "đồ đàn bà". Còn đàn ông kinh bang tế thế, là bề trên nên bình đẳng giới chưa thật sự bình đẳng", bà Vân Anh nói.

Vai trò của nữ doanh nhân ngày nay được đánh giá cao
Vai trò của nữ doanh nhân ngày nay được đánh giá cao

Phải viết lại... luật chơi

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM cho rằng, ngay cả ở Mỹ, dù có tiến bộ nhưng chưa bình đẳng về giới.

Từng làm việc ở Hàn Quốc, Đài Loan, bà Mary Tarnowka gặp nhiều phụ nữ là lãnh đạo chính trị cấp cao như Chủ tịch, Tổng thống... Thế nhưng, theo quan sát của bà, ở Việt Nam, các lãnh đạo nữ trong cơ quan thường chỉ ở vị trí phó.

"Phụ nữ sống thọ hơn nam giới nhưng Việt Nam tuổi hưu 55 thì tiếc quá. Nếu các quốc gia áp cùng mức đó thì tôi không ngồi ở đây. Ông Trump 70 tuổi, bà Hillary Clinton 68 tuổi vẫn tranh cử. Thậm chí, ở Mỹ có những nữ thẩm phán 80 tuổi. Như vậy, nếu bắt phụ nữ 55 tuổi phải về hưu thì bất bình đẳng", bà Mary Tarnowka nói.

Thách thức lớn nhất của phụ nữ là làm nhiều việc trong gia đình như chăm sóc con cái, sáng mở mắt ra phải nghĩ cho gia đình ăn gì, rồi chăm sóc cha mẹ ruột, cha mẹ chồng... Đây là những việc như làm ca 2 mỗi ngày của phụ nữ.

"Nhưng chúng ta cũng thấy tiến bộ khi người đàn ông ngày càng hỗ trợ người phụ nữ, dành thời gian nhiều hơn để đưa con đi bác sĩ, đến trường học thay vợ. Nếu muốn người phụ nữ tốt hơn thì người đàn ông cần trân trọng người phụ nữ. Phải chia sẻ công việc", bà Mary Tarnowka nói.

Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017
Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017

Bà Vaishali Rastogi, CEO Southeast Asia, BCG cho biết, phụ nữ cần phải có sự nghiệp, cần được sự chấp thuận của gia đình, xã hội. Có những định kiến khi tuyển dụng, bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí chủ chốt. Do đó, phụ nữ nói chung, nhất là nữ doanh nhân phải giữ được ý chí chiến đấu.

"Hãy tạo ra đúng môi trường để hành động và đưa ra các luật chơi. Cần viết lại luật chơi cho phụ nữ trong môi trường công việc. Chọn những cái quan trọng, thế mạnh, sở trường. Chọn người bạn đời rất quan trọng. Hãy chọn người chồng tử tế", bà Vaishali Rastogi khẳng định.

Women's Summit 2017 đã vinh Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 gồm: bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu đại sứ Việt Nam ở Châu Âu và Bỉ; bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập, Hiệu trưởng Đại học Fullbright Việt Nam - FUV; bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận – PNJ...

Công Quang