"Nông dân - nạn nhân của một nền nông nghiệp thiếu bền vững"
(Dân trí) - Cho rằng, giải pháp chặt bỏ cây cà phê để thay thế cây chanh dây hoặc những loại cây khác chạy theo cơn sốt thị trường nhất thời là rất đáng lo ngại, đại biểu Nguyễn Thị Huệ cũng cho biết, nông dân rất cần sự quan tâm của các cấp, các bộ, ngành nhưng không phải mang tính cứu trợ mà chính là sự ủng hộ định hướng và giúp đỡ cho nông dân.
Cho biết do có điều kiện công việc hàng ngày được tiếp xúc với nông dân, đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) đã chỉ ra hàng loạt vấn đề của nông nghiệp địa phương, mà cụ thể là hoạt động trồng trọt, canh tác của người nông dân tại địa bàn Tây Nguyên.
Bà Huệ cho hay, từ hơn 4 năm nay giá cà phê trên thị trường nội địa ngày một xuống dần. Sau khi giá cà phê chạm đỉnh trên 50 nghìn đồng/kg, nay đã có lúc dưới 30 nghìn đồng/kg. Mới đây có dịp tăng nhẹ lại nhưng chưa ai dám đảm bảo rằng giá sẽ ổn định và tốt hơn.
Giá hồ tiêu cũng đang giảm không phanh, từ trên 200 nghìn đồng/kg thì đến nay chỉ còn 130 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/kg. Thị trường nông sản hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng được giao dịch trên các sàn tài chính tái sinh nay phải phụ thuộc và chịu rủi ro rất nhiều về giá cả.
Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng cho biết, giá là một chuyện, thị phần của hai mặt hàng này càng lúc càng đáng lo ngại. Trong thời gian qua, diễn biến của cuộc chiến tiền tệ của các nước đã ảnh hưởng khá lớn đến khả năng cạnh tranh những mặt hàng nông sản xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
Nạn hạn hán đang hoành hành, nhiều vùng sản xuất cà phê và hồ tiêu đang bị thiếu nước tưới trầm trọng, năng suất và diện tích đang giảm dần. Đặc biệt, một số vùng người nông dân phải đau lòng nhìn cây cà phê bị chết cháy vì khô hạn.
Bà Huệ cũng cho biết, đang có hiện tượng nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang chặt cây cà phê để chuyển sang trồng loại cây ngắn ngày khác như chanh dây. Tuy nhiên, vị đại biểu cũng lo ngại, thị trường cà phê và hồ tiêu rộng lớn như thế, lực thanh khoản của hai loại nông sản này vào loại bậc nhất hiện nay cũng đã và đang lao đao về thị trường và thị phần. "Vậy nếu trồng chanh dây như là một loại cây thay thế cũng khó có thể tồn tại lâu và nông dân lại vẫn là nạn nhân của một nền nông nghiệp không được chăm sóc, hay nói trọn nghĩa hơn là thiếu bền vững".
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Huệ đề nghị, Nhà nước cần đưa ra phương sách kịp thời để cứu cây cà phê vùng Tây Nguyên, nơi người nông dân đang phải đau lòng chặt bỏ.
"Vẫn biết sản xuất nông nghiệp cần phải đa ngành, đa dạng hóa sản phẩm, song giải pháp chặt bỏ cây cà phê, một cây trồng chiến lược của người dân Tây Nguyên để thay thế cây chanh dây hoặc những loại cây khác chạy theo cơn sốt thị trường nhất thời thì quả là điều rất đáng lo ngại" - vị đại biểu nêu quan điểm.
Bài học nhãn tiền chỉ mới đây, đầu và giữa năm 2015 giá chanh dây với mức 54.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân chặt cà phê trồng chanh dây thì nay giá chanh dây tuột xuống chỉ còn có 10.000 đồng/kg.
"Phải nói những vấn đề nêu trên là bài toán rất khó mà tình hình xã hội đặt ra trong thời gian qua và sắp tới, nhưng dường như các bộ, ngành chưa có nhiều giải pháp thỏa đáng nhằm giảm bớt những thiệt hại, khó khăn cho người nông dân" - đại biểu tỉnh Đắk Lắk nhận xét.
Về chính sách tái canh cho cây cà phê, bà Huệ cho biết, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ song khi đem ra thực hiện thì phải tuân thủ một số điều kiện khiến cho nông dân rất khó tiếp cận được nguồn vốn này.
"Gói vốn vay cho chương trình này là 17.000 tỷ đồng được giao cho Agribank với những điều kiện hỗ trợ tưởng chừng như không thể tốt hơn nhưng đồng vốn ưu đãi này vẫn thiếu vắng bóng nông dân" - bà Huệ nhận xét.
Theo vị đại biểu, mong muốn của nông dân là rất cần sự quan tâm của các cấp, các bộ, ngành nhưng không phải mang tính cứu trợ mà chính là sự ủng hộ định hướng và giúp đỡ cho nông dân.
Dựa trên đặc thù ở Việt Nam, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ nên cần phải khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã chuyên ngành trong điều kiện quản lý trong sáng, minh bạch, tự quản, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình trên tinh thần hợp tác, học tập, ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, được vay vốn ngân hàng, tín dụng để giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện cho nông dân tiếp xúc với thị trường trực tiếp giúp nông dân hiểu biết căn bản về giao thương, giao dịch hàng hóa, giảm các tầng trung gian không cần thiết trong chuỗi cung ứng - đại biểu tỉnh Đắk Lắk đề nghị.
Bích Diệp