1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Người lao động “được” chứ không phải "bị" đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

(Dân trí) - “Người lao động nước ngoài tại Việt Nam là “được” chứ không phải “bị” tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc”, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết.

Đó là phản hồi của ông Nam khi nghe những vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản về việc đóng BHXH tại Việt Nam trong Hội nghị đối thoại Phản ánh khó khăn, vướng mắc về các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh được tổ chức vào chiều nay (13/12).

Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Vân)
Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Vân)

Cụ thể, tại hội nghị, ông Sawa Shunji, Trưởng ban môi trường kinh doanh các DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, theo luật, người lao động nước ngoài là biệt phái hoặc di chuyển nội bộ trong DN Nhật thì không cần ký hợp đồng lao động tại Việt Nam và không thuộc diện BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, cơ quan thuế và Sở Lao động Thương binh Xã hội tại địa phương đều bắt những lao động này kí kết hợp đồng lao động tại Việt Nam.

Đáng nói, trên thực tế, với số lượng hơn 1.600 DN Nhật đang đầu tư tại Việt Nam thì 83% tổng số người lao động tại đây là người Nhật Bản được biệt phái hoặc di chuyển nội bộ từ công ty mẹ sang đây. Theo luật thì họ sẽ không phải ký hợp đồng lao động và đóng BHXH tại Việt Nam, tuy nhiên 40% trong số họ vẫn phải làm điều này.

“Điều này buộc nhiều lao động Nhật Bản phải đóng bảo hiêm 2 lần, ở cả nước sở tại và ở Việt Nam”, ông Shunji nói.

Đáng nói, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho hay, phần phí trách nhiệm chi trả BHXH của người lao động nước ngoài tại Việt Nam so với các nước trong khu vực thì cao hơn rất nhiều, ví như cao hơn 9 lần so với Indonesia và 8,8 lần so với Thái Lan.

“Theo đó, điều này làm ảnh hưởng hoặc giảm đầu tư mới của DN nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân lớn làm cản trở các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản cử chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam mà điều này giúp đóng góp cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”, ông Shunji nhận định.

Về vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động nước ngoài tại Việt Nam là “được” tham gia BHXH bắt buộc.

“Được” không có nghĩa là tự nguyện thích thì tham gia không thích thì thôi mà là theo mục tiêu bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người lao động trong nước và cả nước ngoài tại Việt Nam, ông Nam giải thích.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc triển khai chính sách và quyền lợi mục đích với các đối tượng tham gia BHXH, ông Nam cũng cho biết Bộ có đề xuất thu hẹp lại phạm vi đối tượng.

Theo đó, “nhóm đối tượng quan hệ phát sinh hợp đồng với pháp nhân tại Việt Nam trong đó có nhóm người lao động nước ngoài được biệt phái hay di chuyển công tác trong nội bộ DN sẽ không phải đóng BHXH tại Việt Nam”, ông Nam cho hay.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng gợi ý về việc Việt Nam và Nhật Bản kí kết Hiệp định song phương về BHXH để tránh việc người lao động nước ngoài tại 2 nước phải đóng BHXH song trùng.

Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng phải cân nhắc lại từ được trong việc mua BHXH bắt buộc. (Ảnh: Hồng Vân)
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng phải cân nhắc lại từ "được" trong việc mua BHXH bắt buộc. (Ảnh: Hồng Vân)

Đồng tình với ông Nam, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng hiện nay có nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và ngược lại nên việc đẩy nhanh kí kết hiệp định song phương BHXH là cần thiết.

Theo đó, ông Dũng nhấn mạnh rằng: “Nếu lao động nước ngoài di chuyển nội bộ hoặc biệt phái sang Việt Nam nhưng vẫn được công ty mẹ ở nước ngoài trả lương, không kí hợp đồng lao động với pháp nhân Việt Nam thì không phải đóng BHXH bắt buộc”.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải cân nhắc lại từ “được” mua BHXH bắt buộc để dễ hiểu và dễ thực hiện hơn.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ ghi nhận để kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp với những lao động nước ngoài được biệt phái hay di chuyển nội bộ.

Hồng Vân

Người lao động “được” chứ không phải "bị" đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc? - 3