Ngân hàng Nhà nước thông tin về con số 7,3 tỷ USD “cất giấu” ở nước ngoài

(Dân trí) - Thừa nhận có 7,3 tỷ USD “cất giấu” ở nước ngoài, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ dự báo Thống kê - cho biết, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn có khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn số liệu thống kê đến quý III/2015 có một con số đáng lưu ý. Đó là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện VEPR cho biết: "Vì con số này quá lớn và bất thường nên chúng tôi đã đưa vào báo cáo lần này. Bình thường, khoản này chỉ chưa tới 2 tỷ USD".

Bình luận về con số 7,3 tỷ USD trong quý III/2015, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ dự báo Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Đúng là có con số 7,3 tỷ USD, nhưng số liệu này là số liệu được phản ánh trong hạng mục đầu tư khác ròng trên bảng cán cân thanh toán quý III/2015 mà NHNN đã công bố trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế”.


7,3 tỷ USD không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế”

7,3 tỷ USD không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế”

Theo ông Vũ, số liệu thống kê cán cân thanh toán trong quý III/2015, tiền gửi ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại tăng thêm 5,9 tỷ USD.

“Do hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nên số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước. Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính khác…). Trong quý III/2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước”, đại diện NHNN lý giải.

Cũng theo ông Vũ, trong quý III/2015, số liệu này tăng mạnh chủ yếu do xu hướng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư tăng lên trước sự kiện đồng Nhân dân tệ bị phá giá mạnh trong tháng 8/2015 và những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất đã gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND/USD.

Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các ngân hàng thương mại mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng.

“Một số ý kiến cho rằng, đây là do tác động của chính sách lãi suất tiền gửi 0% thì không phải, vì diễn biến này là của quý III/2015 trong khi lãi suất tiền gửi 0% bắt đầu thực hiện đối với tổ chức kinh tế từ 28/9 và đối với dẫn cư từ 18/12/2015. Cũng cần nói thêm rằng, sau khi NHNN có phản ứng nhanh nhạy về chính sách tỷ giá, thị trường ổn định trở lại thì sang quý IV/2015, tâm lý thị trường được giải tỏa, lượng tiền gửi ra nước ngoài của các ngân hàng chỉ tăng thêm có 369 triệu USD”, ông Vũ nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc một số chuyên gia lo ngại về bẫy thanh khoản ngoại tệ đối với nền kinh tế, ông Vũ nói: Như đã đề cập, hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, khi huy động tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế và dân cư, nếu phần sử dụng ở trong nước ít hơn thì họ tăng tiền gửi ở nước ngoài là chuyện hết sức bình thường.

“Các ngân hàng chỉ để một phần ngoại tệ tiền mặt để phục vụ các nhu cầu của dân cư, còn lại đầu tư dưới hình thức nào phải phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Việc gửi tiền ở nước ngoài là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân”, ông Vũ khẳng định thêm.

Nguyễn Hiền

Ngân hàng Nhà nước thông tin về con số 7,3 tỷ USD “cất giấu” ở nước ngoài - 2