1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Sẽ "chốt" trong 1, 2 năm tới?

(Dân trí) - Theo SSI, kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets) vào năm 2020. Khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút thêm hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Sẽ "chốt" trong 1, 2 năm tới? - 1

Cơ hội nâng hạng vào năm 2020?

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ do Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn mới công bố cho thấy, tính tới hết quý I/2018, quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng và đạt 191 tỷ USD, tương đương 95% GDP năm 2016, tăng +24.7% so với cuối năm 2017, gần bằng UAE, Philippines và vượt qua nhiều thị trường Emerging markets như Qatar (131 tỷ USD), Pakistan (82 tỷ USD), Ai Cập (58 tỷ USD).

Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh đạt mức bình quân 8.800 tỷ đồng/phiên trong Q1/2018, tăng +80% so với mức trung bình năm 2017.

Theo ước tính của SSI, ở thời điểm hiện tại đã có 5 cổ phiếu thỏa mãn các điều kiện yêu cầu của MSCI và có thể được thêm vào bộ chỉ số Emerging Markets Indexes trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng. Nếu nhìn rộng hơn, SSI cho rằng có thêm 9 cổ phiếu có giá trị vốn hoá trên 2 tỷ USD và thanh khoản tốt có thể thỏa mãn các điều kiện này trong tương lai không xa.

Các chuyên gia phân tích của SSI đánh giá, về cơ bản, Việt Nam đã thỏa mãn các điều kiện định lượng liên quan tới quy mô thị trường và quy mô giao dịch. Các điều kiện định tính là những rào cản cuối cùng để MSCI cũng như các tổ chức phân loại thị trường khác như FTSE và S&P cân nhắc khả năng nâng hạng.

Theo SSI, kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nối (Emerging Markets) vào năm 2020, trước đó cần ít nhất 1 năm để MSCI xin ý kiến tư vấn đánh giá từ cộng đồng đầu tư quốc tế, và thêm 1 năm để các quỹ đầu tư chuẩn bị cho các thay đổi và tái cơ cấu các danh mục đầu tư.

"Giả định Việt Nam được MSCI nâng xếp hạng lên Emerging Markets, 5 cổ phiếu đã đạt điều kiện có tổng giá trị vốn hóa đạt 14 tỷ USD và ước tính có thể chiếm tỷ trọng 0,25% trong rổ chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Ước tính sơ bộ, 5 cổ phiếu này có thể thu hút 4 tỷ USD trong tổng số 1.600 tỷ USD giá trị tài sản đầu tư vào bộ chỉ số này. Nếu cộng thêm 9 cổ phiếu tiềm năng, tổng giá trị vốn hóa (điều chỉnh free float) của nhóm này có thể đạt 30 tỷ USD, tương đương mức tỷ trọng 0,54% và ứng với 8,7 tỷ USD vốn ngoại vào thị trường Việt Nam", SSI dự tính.

Việt Nam cần cẩn thận với cuộc chơi MSCI

Cũng nhìn nhận về câu chuyện nâng hạng MSCI, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại có góc nhìn khác khi cho rằng khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách thị trường các nước được cân nhắc cho việc nâng hạng ngay trong năm nay vẫn ở mức thấp.

BVSC cho rằng, yếu tố room ngoại đối với những ngành nghề kinh doanh không có điều kiện đã được gỡ bỏ và đã có một số công ty niêm yết chủ động cắt giảm những ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc diện có điều kiện nhưng chưa đủ để được ghi nhận.

Bên cạnh đó, những điểm trừ về các yếu tố hạ tầng thị trường như thanh toán bù trừ, chuyển nhượng, cho vay chứng khoán và bán khống nhìn chung chưa có thêm những cải tiến mới trong thời gian gần đây.

"Vào tháng 6/2018, khi MSCI ra báo cáo cập nhật, nếu không có gì bất ngờ như đã phân tích ở trên thì Việt Nam sẽ chưa được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng cho việc nâng hạn. Điều này có thể sẽ không gây ra ảnh hưởng quá tiêu cực đến diễn biến thị trường nhưng có thể tạo ra một khoảng “nghỉ”, một điểm tạm dừng trong chiến lược giải ngân của các quỹ đầu tư để chờ đợi thêm những diễn biến mới", báo cáo của BVSC nhận định.

Với mức tăng 52% năm ngoái, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất châu Á năm thứ 2 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, VN Index tăng 22%; vốn ngoại đổ vào hơn 440 triệu USD sau khi đạt kỷ lục một tỷ USD trong 2017.

Một bài viết mới đây trên Bloomberg cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có rất nhiều điều đáng chú ý và hiện đang có tính thanh khoản tốt hơn Philippines - một thị trường mới nổi. Giới quan sát cũng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã sẵn sàng để vào chỉ số MSCI Emerging Markets. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra, Việt Nam vẫn có thể nhận được nhiều dòng vốn quốc tế hơn nếu một số thị trường khác được nâng hạng.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, đối với nhà đầu tư, đây có thể là một trò chơi nguy hiểm. 15 cổ phiếu trên MSCI Vietnam Index đều rất đắt khi giao dịch ở mức PE 30,5 lần lợi nhuận 12 tháng. VN Index có mức hợp lý hơn - 21 lần.

Bloomberg lấy ví dụ là thị trường Pakistan. Trong ít nhất một năm rưỡi trước khi được vào MSCI EM, nhà đầu cơ đổ xô vào nhưng chỉ số chuẩn Karachi 100 lại sụt giảm ngay trước ngày nâng hạng chính thức. Chắc chắn, "sức khỏe" thị trường Việt Nam tốt hơn Pakistan. Nhưng với sức nóng hiện nay, nhà đầu tư rất dễ tìm ra lý do để bán. GDP giảm, lạm phát tăng lên, và thị trường sẽ "lạnh" đi nhanh chóng.

Phương Dung

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Sẽ "chốt" trong 1, 2 năm tới? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm