Mỹ - Trung “khai hoả" chiến tranh thương mại: Việt Nam chịu tác động từ cả 2 phía
(Dân trí) - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Sự tác động sẽ lớn dần vào các năm 2019, 2020 và đỉnh điểm là năm 2021-2023, trong đó Việt Nam có thể chịu tác động 2 chiều trước diễn biến này.
Chiến tranh thương mại "bùng nổ"
Ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ đôla hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.
Danh sách các sản phẩm mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bao gồm 1.102 sản phẩm với giá trị nhập khẩu 50 tỷ USD. Nhìn chung các mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, tạp phẩm và xe cộ, máy bay.
Về phía Trung Quốc, bắt đầu áp đặt mức thuế 25% cho 545 loại sản phẩm của Mỹ trị giá 34 tỷ USD bao gồm đậu tương, thịt bò, rượu whisky và xe off-road kể từ ngày 6/7. Trung Quốc cũng đe doạ áp thuế cao hơn đối với 16 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ, nhắm vào các hàng hoá năng lượng như than đá và dầu thô…
Đồng thời với động thái với Trung Quốc, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 25% vứi thép và 10% với nhôm đối với một số đồng minh là Canada, Mexico và EU từ ngày 1/6/2018.
Các quốc gia này cũng có động thái đáp trả. Mexico tuyên bố tăng thuế 25% đối với các sản phẩm bơ, thép và rượu whiskey và 20% đối với thịt lợn, táo và khoai tây nhập khẩu từ Mỹ (trị giá 3 tỷ USD) vào tháng 6/2018. Canada sẽ áp thuế từ 10-25% đối với 12,8 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/7/2018. EU đáp trả bằng cách áp thuế 25% đối với 200 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, tổng trị giá lên tới 3,3 tỷ USD vào cuối tháng 6/2018.
Việt Nam chịu tác động từ cả 2 phía
Trong báo cáo đánh giá tác động, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Sự tác động sẽ lớn dần vào các năm 2019, 2020 và đỉnh điểm là năm 2021-2023. "Việt Nam có thể chịu tác động 2 chiều trước diễn biến này”, ông nhìn nhận.
Ông Thắng phân tích cụ thể tác động tích cực với Việt Nam là cơ hội thị trường Mỹ nếu hàng xuất khẩu Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị hạn chế xuất sang Mỹ lại không phải sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Tương tự, cơ hội với thị trường Trung Quốc của chúng ta cũng không nhiều.
Về tác động tiêu cực, Trưởng Ban Kinh tế thế giới cho rằng, tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi sẽ kéo theo nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm. Nhất là khi chỉ ngoại trừ EU, còn lại, tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
“Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và thậm chí còn giảm mạnh hơn trong năm đỉnh điểm là 2021-2023. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm %, phản ánh sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực FDI bị ảnh hưởng” – ông Thắng nêu rõ.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng, tác động tích cực cũng có thể sẽ đến từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tính toán cho thấy, tác động này không đáng kể, thậm chí FDI vào Việt Nam còn có xu hướng giảm xuống.
“Điều này có thể do tác động của thương mại bị ảnh hưởng làm cho tình hình sản xuất của khu vực FDI bị ảnh hưởng. Vì vậy sẽ hạn chế một chút dòng đầu tư. Tuy nhiên tác động này không quá lớn”, ông nhận định.
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra tác động tỷ giá. Theo một số dự báo đồng USD vẫn giữ được giá trị vì thế có thể không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá với VNĐ mặc dù trong thời gian gần đây có xu hướng tăng một chút.
Bàn về giải pháp, ông Thắng cho rằng, trước mắt cần cập nhật danh mục hàng hoá bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỉ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời và có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc.
Đồng thời, tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cũng là việc cần làm. Ngoài ra, nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam để đề phòng trường hợp do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam.
"Không tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc"
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ thép Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất sang các nước khác. Bởi vì nước khác áp thuế cao với thép Trung Quốc, và họ cũng đánh thuế nặng vào các mặt hàng cố tình lẩn tránh thuế.
Ông cho biết, tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định cuối cùng đối với lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm thép Việt Nam với thuế suất rất cao, tương đương thuế áp với thép Trung Quốc. Thép cán nguội cả hai loại thuế cộng lại phải trên 240%, tôn mạ cả hai loại thuế cộng lại phải trên 500%.
"Với thuế suất cao như vậy không thể vào được thị trường Hoa Kỳ”, ông Sưa dẫn lại câu chuyện ngành thép.
Tuy nhiên, điều rất mừng là quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh vào các mặt hàng Việt Nam mua các loại bán thành phẩm của Trung Quốc về gia công, xuất khẩu lại sang thị trường các nước. Tuy nhiên, từ tháng 6 năm ngoái, khi Formosa bắt đầu đi vào sản xuất, Việt Nam đã có được nguyên liệu để sản xuất thép cuộn cán nguội cũng như tôn mạ.
"Với lượng xuất khẩu đi Hoa Kỳ mỗi năm vào trăm nghìn tấn thì chúng ta thừa nguồn thép cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội", ông nói.
Phương Dung