Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ dẫn dắt kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương?

(Dân trí) - Trong lúc số phận TPP đang "ngàn cân treo sợi tóc" do nước Mỹ có thể sẽ rút ra khỏi Hiệp định mà họ là nước sáng lập, thì Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm tham gia, dẫn dắt ngày càng nhiều các tổ chức, liên minh kinh tế.

Thực tế trên đã trở thành vấn đề nóng được nhiều học giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bình luận tại Diễn đàn Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 vừa được tổ chức tại Hà Nội chiều 24/11.

Theo các chuyên gia kinh tế, học giả uy tín tại Diễn đàn, trên thực tế, hiện Trung Quốc đang rất nỗ lực để trở thành người khổng lồ về kinh tế khi họ là sáng lập viên của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), đối trọng vai trò tín dụng với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do Nhật Bản đứng đầu.

Gần đây, khi TPP có chiều hướng không được thông qua, Trung Quốc đã, đang và sẽ lập các liên minh kinh tế khu vực Đông Âu gồm với Nga, Belarut và Kazakhstan, rồi tham gia ngày càng mạnh mẽ vào chủ thể của các tổ chức, liên minh kinh tế khu vực như: ASEAN +3, ASEAN +1.. hay mới đây là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác trong đó có Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ dẫn dắt kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương? - 1

Giáo sư Zhang Yunling, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: Chỉ số toàn cầu hóa đang giảm, tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn tăng GDP, quá trình đa phương hóa trì trệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Đây là xu hướng tạm thời do quá trình tái cơ cấu nguồn lực tăng trưởng. Tuy nhiên, bản thân nó cũng tạo ra những xung đột lợi ích thương mại giữa các quốc giá khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các nền sản xuất quay trở lại quê hương và mức lương thấp khhông còn là nhân tố dẫn dắt FDI nữa. Cuộc cách mạng thứ 4 sẽ khiến toàn cầu hóa sang trang, phân chia xã hội ngày càng lớn.

Hiện, quan điểm chống lại TPP, đàm phán hiệp định RCEP và CJK bị trì hoãn, thiếu đồng thuận trong thực thi các FTA cho thấy các hiệp định FTA hướng tới tự do hóa thương mại đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự kiện Brexit của Anh bắt nguồn cho câu chuyện dân tộc chủ nghĩa trong tư duy phát triển... Chính vì thế, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi liệu TPP, EU có phải là mẫu hình tốt cho hội nhập?

Còn đối với Trung Quốc, giáo sư Zhang Yunling nêu rõ các đề xuất về lập AIIB, NDB hay nhiều hiệp định khác... là cách tiếp cận mới, phát triển hạ tầng, giúp tạo động lực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, Giáo sư Yukiko Fukagawa, Đại học Waseda (Nhật Bản) phản biện: Dù thương mại toàn cầu đang giảm 12,7% theo giá danh nghĩa và 1,3% theo giá thực tế; cầu và đầu tư yếu hơn, giá hàng hóa quốc tế phục hồi chậm và chủ nghĩa bảo hộ nhiều nước lớn gia tăng thì Trung Quốc hiện chưa thể dẫn dắt nền kinh tế các nước Châu Á - Thái Bình Dương khi TPP đổ vỡ hay trước tư duy kinh tế mới của Tổng thống Mỹ Trump.

Bà Yukiko nhấn mạnh: "Không có khả năng Mỹ, Nhật Bản và EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, bởi chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa và xuất khẩu đang là thách thức của nước này".

"Ngoài ra, Trung Quốc còn gặp phải các vấn đề như ngành thép đang khó khăn, tốc độ tái cơ cấu chậm, thuế chống bán phá giá hàng Trung Quốc tại Mỹ và EU và việc phản ứng của Trung Quốc đối với các cơ chế WTO đang đe dọa vai trò, vị thế dắt dắt toàn cầu của Trung Quốc", bà Yukiko nói.

Giáo sư Kazumasa, Chủ tịch Quỹ Giao lưu Kinh tế quốc tế Nhật Bản khẳng định: "Cho dù mỗi nước thích hay không thích thì toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra, nó đòi hỏi phải có một thỏa thuận mới. Việc TPP có khả năng không được thông qua tại Mỹ, đây có thể là bước ngoặt của kinh tế thế giới, nơi cái cũ và cái mới đan xen nhau, đấu tranh nhau và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nó sẽ thúc đẩy sự liên kết ngày càng lớn khi tư duy nhân tạo được vận dụng tối đa".

TS Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Ai là người lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai, câu trả lời là toàn bộ các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chứ không hẳn là Trung Quốc. Với riêng Việt Nam, Mỹ là nhà đầu tư thứ 7, còn Trung Quốc là một trong những thị trường có quan hệ thương mại lớn số 1. Đây là lợi ích, cơ hội và cả thách thức, do đó trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng cần ủng hộ, dù thích hay không thích thì cũng phải hội nhập và cải cách".

Theo TS Thành, việc bầu cử của Mỹ, chúng ta cần suy nghĩ ở các góc độ khác nhau. Tác động ở nền kinh tế toàn cầu; các chính sách kinh tế hướng về nội địa sẽ làm thay đổi quan hệ sản xuất, thương mại quốc tế. Đặt ra cho thế giới phải kiềm tỏa nguy cơ chiến tranh kinh tế có thể xảy ra.

Giáo sư Murray McLean, nguyên Đại sứ của Úc tại Mỹ cho rằng: Những bài hùng biện đanh thép chống lại tự do thương mại của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử như xóa bỏ NAFTA, từ chối thông qua TPP và đe dọa áp mức thuế suất 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc làm dấy lên sự quan ngại và bất định ngày càng tăng và lan rộng.

Tuy nhiên, lúc này là quá sớm để đánh giá việc ông Trump sẽ thực hiện những tuyên bố tranh cử với áp dụng vào thực tế trên. Bởi theo ông McLean: "Có lẽ ngôn từ và lời lẽ mạnh mẽ của ông Trump về chủ nghĩa bảo hộ đơn giản chỉ là một mánh trong chiến dịch nhắm vào những cử tri cảm thấy bị lãng quên, bỏ qua trong quá trình toàn cầu hóa, tự do thương mại.

Từ nay còn 2 tháng nữa cho đến khi ông Trump nhận chức chính thức, chúng ta không thể biết được liệu ông có thực hiện những gì trong số những điều đã tuyên bố và thực hiện nó ở mức độ nào, bởi những tác động sâu rộng và mạnh mẽ tới quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với các đối tác cũng như nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Nguyễn Tuyền