“Mông má” AVG lên 18.500 tỷ đồng rồi đi “làm đầu, cắt tóc”

(Dân trí) - Các kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp đối với AVG, theo khẳng định của Thanh tra Chính phủ, đều không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn thẩm định giá. Trong các đơn vị được MobiFone thuê, có đơn vị đã “thay tên đổi họ” để kinh doanh bất động sản, thậm chí là cắt tóc, làm đầu, massage…

Các số liệu của Thanh tra Chính phủ cung cấp cho thấy AVG đã được đẩy giá lên hàng chục lần dưới bàn tay các công ty tư vấn
Các số liệu của Thanh tra Chính phủ cung cấp cho thấy AVG đã được "đẩy giá" lên hàng chục lần dưới bàn tay các công ty tư vấn

95% cổ phần AVG được MobiFone mua với giá 8.889 tỷ đồng. Song, theo tính toán của Thanh tra Chính phủ, sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm mua bán chỉ là 1.983 tỷ đồng.

“Nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng” - cơ quan thanh tra nhận định.

Thế nhưng, con số xấp xỉ 8.900 tỷ đồng nói trên vẫn chưa thấm vào đâu so với mức định giá “trên trời” của các công ty tư vấn được MobiFone thuê. Cụ thể, kết quả thẩm định giá trị AVG của AASC là 33.299 tỷ đồng, của VCBS là 24.548 tỷ đồng, của Hanoi Valu là 18.519 tỷ đồng, còn của AMAX là 16.565 tỷ đồng.

Các kết quả thẩm định này, theo khẳng định của Thanh tra Chính phủ, đều không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn thẩm định giá.

Đáng nói là trong số những đơn vị này không phải công ty nào cũng có uy tín. Hanoi Valu hay Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TPHCM, thành lập cuối năm 2011 nhưng chỉ trong 6 năm qua đã khiến nhiều người phải “hoa mắt” với sự thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Công ty này hiện đã đổi tên là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Toàn cầu, kinh doanh từ bất động sản, trang trí nội thất cho đến…cắt tóc, làm đầu, massage. Còn dịch vụ thẩm định giá tài sản thì lại là “hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu” trong bản đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này.

Một số ngành nghề mà Hanoi Valu đăng ký sau khi đã đổi tên (ảnh chụp màn hình)
Một số ngành nghề mà Hanoi Valu đăng ký sau khi đã đổi tên (ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, sự khác biệt giữa các kết quả định giá doanh nghiệp của những đơn vị thẩm định giá thường xuất phát từ phương pháp định giá khác nhau.

Tuy nhiên, vấn đề mà ông Hải cho rằng cần báo động chính là việc nhiều công ty thẩm định làm theo “đặt hàng” của bên thuê, vì lợi ích nào đó mà biến hoá để khai vống giá trị lên hoặc dìm giá trị công ty được định giá xuống.

“Đã nói tư vấn, nghĩa là các con số bên tư vấn đưa ra chỉ nhằm mục đích tham khảo mà thôi. Để Nhà nước không bị hớ và không thất thoát, không xảy ra tham nhũng trong các thương vụ mua bán cổ phần thì điều quan trọng nhất là thông tin phải được cung cấp kịp thời, minh bạch, công khai” - ông Hải nhận định.

Bản thân ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đã phải chua chát thừa nhận thực trạng đáng buồn: Vẫn có công ty thẩm định giá chạy theo lợi ích, bóp méo giá trị thẩm định giá: “Không ít chuyên gia có lợi ích cá nhân, không vượt qua được những hấp dẫn, làm sai lệch kết quả vì lý do này, lý do khác”.

Hồi năm ngoái, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM đã đề nghị phải xử nghiêm và đưa vào danh sách đen những công ty đánh giá, thẩm định tài sản Nhà nước không đúng.

Khi báo cáo lên Bộ Thông tin & Truyền thông xin phê duyệt, MobiFone đưa ra đánh giá: “Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng”.

Trong khi đó, dữ liệu mà Thanh tra Chính phủ thu thập được lại cho thấy, kể từ khi thành lập cho đến thời điểm MobiFone xác định giá trị của AVG để mua cổ phần, tình hình tài chính AVG gặp rất nhiều khó khăn, kinh doanh liên tục thua lỗ.

Thời điểm cuối năm 2015, lỗ luỹ kế của AVG đã lên tới 1.632,9 tỷ đồng, tương đương 45% vốn điều lệ; Nợ phải trả 1.266,8 tỷ đồng. Vốn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình của công ty này chủ yếu là vốn đi vay và vốn chiếm dụng. Trong khi vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp lại chiếm tới 73,3% vốn điều lệ với khoản đầu tư tới 2.659,9 tỷ đồng tính đến hết 31/3/2015.

Bích Diệp

“Mông má” AVG lên 18.500 tỷ đồng rồi đi “làm đầu, cắt tóc” - 3