1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mỗi năm doanh nghiệp “mất” 30 triệu ngày công, 15.000 tỷ đồng vì... kiểm tra!

(Dân trí) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mỗi năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp là không thể chấp nhận được.

Chiều nay (30/11), tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, đây cũng là buổi kiểm tra thứ 9 liên quan tới công tác kiểm tra chuyên ngành, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cắt giảm chi phí, giảm thủ tục, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Kiểm tra nhiều, phát hiện sai phạm rất… ít!

Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, Bộ GTVT đã triển khai sớm các giải pháp cải cách về công tác kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo, Bộ đã đưa 125 mặt hàng trong tổng số 160 mặt hàng thuộc phạm vi quản lý chuyển sang hậu kiểm; 107 mặt hàng áp dụng công nhận lẫn nhau của nước ngoài. Việc áp dụng công nghệ thông tin giúp giảm trung bình 70% thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bộ đã rà soát cắt giảm 46% các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tại buổi làm việc với Bộ GTVT chiều 30/11
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tại buổi làm việc với Bộ GTVT chiều 30/11

“Mỗi năm, các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, chỉ 0,06%, không thể chấp nhận được.

Chưa kể nhiều cơ quan không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn mà kiểm tra bằng cảm quan, thủ công, tức là làm thủ tục để thu tiền thôi” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu thực trạng của công tác kiểm tra chuyên ngành nói chung.

Tổ trưởng Tổ công tác đặt vấn đề việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ GTVT có thực trạng như trên không? Bởi tuy thủ tục của Bộ không nhiều như một số Bộ khác nhưng qua ý kiến của doanh nghiệp thì vẫn tồn tại một số vấn đề.

Dẫn chứng về việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Hiện nay, mặt hàng máy kéo nông nghiệp vẫn chịu sự quản lý chồng chéo giữa Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT. Các mặt hàng cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, xe nâng… đang bị GTVT và Bộ Công Thương cùng kiểm tra, rất phức tạp.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng là 1 mặt hàng chỉ do 1 Bộ chủ trì, vậy sắp tới sẽ thay đổi như thế nào? Tình trạng quy định không thống nhất đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả hải quan. Đề nghị Bộ giải trình, báo cáo, đưa cam kết cụ thể” - Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Riêng với lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, Tổ công tác đề nghị Bộ GTVT tiến hành theo cách thức 1 Nghị định sửa nhiều nghị định, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, mục tiêu là làm nhanh nhất, rút gọn nhất. Tương tự, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

5 “lưu ý” của Thủ tướng

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thủ tướng nói đi nói lại với tôi việc trao đổi với anh Nguyễn Văn Thể là GTVT là lĩnh vực rất quan trọng trong 3 khâu đột phá chiến lược. Đề nghị Bộ trưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng để thúc đẩy công việc nhanh hơn, tốt hơn. Rất cần sự quyết liệt của Bộ GTVT trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông”.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc tại Bộ GTVT chiều 30/11
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc tại Bộ GTVT chiều 30/11

Với các nội dung làm việc tại Bộ GTVT, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng “nhắc” Bộ GTVT tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt 5 vấn đề. Cụ thể:

Thứ nhất, Bộ GTVT phải quyết liệt thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOT trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp. Đây là chủ trương đúng đắn tuy ở một số dự án có vấn đề cần xử lý. “Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển…” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thứ hai, hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam rất lớn, Bộ GTVT cần khẩn trương chuẩn bị nội dung để Thủ tướng chủ trì 1 hội nghị về cắt giảm thủ tục, chi phí trong lĩnh vực này.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án gắn với bảo đảm chất lượng, chất lượng đầu tư, khai thác sử dụng. Hiện chỗ này chỗ khác vẫn có tình trạng đường vừa làm đã hỏng nên cần hết sức quan tâm.

Thứ tư, cụ thể chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông cần phải thực hiện quyết liệt. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Cảng hàng không, cảng sông… có xã hội hóa đầu tư hay không? Cần quan tâm đồng bộ đường không, đường thủy, đường sắt, tạo cơ chế thúc đẩy đầu tư. Nguồn lực trong dân rất lớn, chỉ cần tạo điều kiện tốt, với các giải pháp bảo đảm môi trường, phân phối lợi ích hài hòa… thì sẽ làm tốt lĩnh vực này”.

Cuối cùng, Thủ tướng quan tâm tới việc áp dụng thu phí điện tử tại các trạm BOT giao thông còn rất hạn chế, tỷ lệ rất thấp. Yêu cầu đặt ra là càng minh bạch càng tốt, cần phải thực hiện quyết liệt chủ trương thu phí điện tử dù rằng còn vướng mắc giữa các bộ, ngay cả ý kiến doanh nghiệp cũng khác nhau.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm