1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Mekong Connect – 2016: Hơn 500 doanh nhân cùng đi “tìm cơ trong nguy”

(Dân trí) - “Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL. Đây là 1 trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất. Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu”.

Nhận định này được Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường ĐH Cần Thơ - đưa ra tại Diễn đàn MeKong connect – CEO (lần 2), ngày 26/10 tại Cần Thơ.

Tạo lực đẩy cho khởi nghiệp!

Với chủ đề “Tìm cơ trong nguy - Đối mặt biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập”, diễn đàn thu hút hơn 500 doanh nhân và các nhà quản lý Trung ương và địa phương, chuyên gia để cùng bàn cách ứng phó trước những vấn đề sống còn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Quang cảnh diễn đàn Mekong connect - CEO lần 2 diễn ra tại Cần Thơ ngày 26/10

Quang cảnh diễn đàn Mekong connect - CEO lần 2 diễn ra tại Cần Thơ ngày 26/10

Đây là sự kiện thường niên dành cho các cấp quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp của ĐBSCL. Diễn đàn cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh, do mạng lưới liên kết 4 tỉnh thành ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đồng tổ chức.

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Diễn đàn Mekong connect - CEO là diễn đàn hợp tác khác với hợp tác hành chính thông thường. Đây là diễn đàn mà doanh nghiệp là trung tâm, hành động là mục đích, hiệu quả là thước đo.

Cũng theo ông Nam, năm 2015, diễn đàn lần thứ nhất đã giúp Cần Thơ thu được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. “Lần này, chúng tôi tiếp tục muốn lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp và muốn chia sẻ, phục vụ doanh nghiệp. Đồng thời giúp các địa phương ABCD mở rộng tầm nhìn, nâng tầm hợp tác”- ông Nam nói.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ cho rằng: Để quá trình sản xuất và buôn bán các loại hàng hoá bền vững và hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải làm ra được các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần nhen nhóm phát triển đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp của lớp trẻ, của đất nước.

Về phía Bộ khoa học và Công nghệ, thời gian qua đang hướng đến hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp. Từ các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Nhà nước đang có các cơ chế, chương trình đưa kết quả đến doanh nghiệp khởi nghiệp. “Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân khởi nghiệp tham gia vào các chương trình, dự án của Bộ hỗ trợ để phối hợp thực hiện các ý tưởng sáng tạo thành công”- ông Tùng nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra những vấn đề lớn, mang tính thời sự của kinh tế Việt Nam, những vướng mắc trong nông nghiệp Việt Nam và những thách thức có thể nổi lên trong bối cảnh hội nhập.

Theo bà Phạm Chi Lan, những vướng mắc trong nông nghiệp Việt Nam được thể hiện như: tài nguyên đất và nước khan hiếm, thiên tai dịch bệnh, thị trường biến động, đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ yếu, nhân lực ít được đào tạo, liên kết kém, chính sách chưa thuận lợi…

Cần nhìn “trong cái rủi có cái may”!

Về giải pháp, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Cùng với các giải pháp như tích tụ đất đai, bảo hộ quyền tài sản đất, thay đổi trong cách sử dụng đất…, cần chú trọng định hướng thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ nông nghiệp và các dịch vụ kinh doanh rộng hơn, đổi mới thể chế về đất nông nghiệp, xây dựng hệ thống nông nghiệp có khả năng thích ứng…

Các diễn giả cùng trao đổi tại diễn đàn
Các diễn giả cùng trao đổi tại diễn đàn

“Tôi đến với Mekong Connect lần này có một khát khao vô cùng lớn là làm thế nào để ĐBSCL phát triển trong tương lai trở thành vùng giàu có” cùng với thông điệp Rich Mekong Delta (chữ Rich viết tắt từ các chữ Resilient: Chống chịu với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; Innovative: Đổi mới sáng tạo trong canh tác, kinh doanh và quản trị phát triển; Connectivities: Kết nối các nhà, các vùng hình thành các chuỗi giá trị; Harmonious: phát triển hài hoà dung hợp).

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Với chủ đề “Tìm cơ trong nguy – Đối mặt với biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập”, trong họa luôn có phúc, sau đợt hạn mặn kéo dài vừa qua Bến Tre đang thay đổi tâm thế sản xuất sang đổi mới trong mỗi người dân, doanh nghiệp và hệ thống chính quyền. Thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và cơ cấu kinh tế nói chung được sự đồng thuận của người dân và các ngành, các cấp; thay đổi thu hút sản xuất kinh doanh.

Ông Mãi cũng cho biết, Bến Tre đang tập trung phát triển kinh tế tư nhân, đây là lực lượng nhanh nhẹn dễ dàng đáp ứng trong việc thích ứng biến đổi khí hậu, tập trung động viên những người trẻ nhất là trong việc phát triển nông nghiệp.

Còn tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, trường ĐH Cần Thơ cho biết: Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế. Khô hạn 2015 – 2016 ĐBSCL mất khoảng 200 ngàn tấn gạo, quy ra tiền thiệt hại khoảng 45 triệu USD. Biến đổi khí hậu, nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề.

“Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, trước những biến đổi khí hậu chúng ta sẽ chuyển hoá thành những mặt tích cực, như xâm nhập mặn giúp nuôi trồng thuỷ sản, thay đổi khí hậu như xuất hiện nhiều gió, bão sẽ lợi dụng phát triển điện gió. Biến đổi khí hậu sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau và liên kết vùng lại với nhau từ đó sẽ phát triển mạnh hơn và bền vững hơn”, ông Tuấn nói.

Phạm Tâm