Mất nước cả tuần, người dân thi nhau sắm đồ trữ nước

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài đã khiến nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng đột biến. Nhiều khu vực ở Hà Nội đã không đủ nước dùng cho sinh hoạt, thậm chí mất nước nguyên 1 tuần, khiến người dân phải loay hoay tìm đủ mọi cách trữ nước.

Khổ sở vì mất nước cả tuần

Thời tiết nắng nóng, nhiều người dân than rằng: “mất điện khổ 1 thì mất nước khổ đến 10”. Mọi hoạt động sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt, ngay cả việc đi vệ sinh cũng gặp vô vàn khó khăn.

Cửa hàng đồ gia dụng tăng cường nhập hàng
Cửa hàng đồ gia dụng tăng cường nhập hàng

Nguyên do của việc mất nước là bởi tuyến ống nước sạch sông Đà số 2 chưa thể hoàn thành như cam kết. Bên cạnh đó, các dự án nước sạch khác cũng chưa thể hoàn thành, nên người dân Hà Nội vẫn đứng trước tình trạng mong nước như “mong mẹ về chợ”.

Một tuần nay, nhiều xã trên địa bàn Huyện Gia Lâm, Hà Nội nay đã rơi vào tình trạng mất nước hoặc nước chảy rất yếu. Người dân không còn cách nào khác, nên đành phải “sống chung với lũ”.

Không có nước sinh hoạt, nấu nướng, chị Trịnh Minh Phương ở nhà D15, KĐT Đặng Xá cho biết: “Nhà chật nhưng mất nước, nên cũng phải nhắm mắt mua 1 thùng nhựa loại 220 lít. Hễ nghe thấy chỗ nào chưa mất nước là mấy chị em lại hò nhau đến xin cho đầy thùng.”

Người dân buộc lòng phải mua đồ trữ nước
Người dân buộc lòng phải mua đồ trữ nước

“Nếu nhà có 4 người và sử dụng tiết kiệm, mỗi thùng đầy như này có thể cầm cự được trong 2 – 3 ngày. Tắm và nấu nước thì dùng nước sạch, còn đi vệ sinh thì lại lấy nước đã qua sử dụng, được tích trữ trong xô khác để xả.”, Phương nói.

Nhưng đấy là còn có nước để mà xin, có thời điểm chị Phương cho biết: “Gần như cả khu đều mất nước, nhiều nhà đi vệ sinh 2 – 3 lần mới dám xả 1 lần, sau mỗi lần đi vệ sinh, lại đóng nắp bồn cầu vào cho đỡ mùi. Có ngày cả khu gần như mất nước hết, nhiều người còn chẳng dám đi vệ sinh, hoặc đi vào chậu rồi đậy nắp lại, rất khổ sở.”

Lấy nước trong vòi phun về sử dụng
Lấy nước trong vòi phun về sử dụng

Ở cùng tầng với chị Phương, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Ngoài thùng 220l để trữ nước sạch, muốn có nước để xả nhà vệ sinh, rửa chân tay mình phải sắm thêm 2 xô nhựa. Một cái cỡ vừa để đựng nước đã qua sử dụng, nước ao,… và một cái để đi lấy nước ngoài ao, mương, hay trong đài phun nước ở trước nhà.”

“Mất nước đã khổ rồi, chi phí sắm sửa xô thùng lại ngốn thêm 1 khoản vào chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Thùng 220 lít đã có giá 310.000 – 320.000 đồng/cái, loại 120 lít đựng nước để xả nhà vệ sinh, rửa chân tay cũng đã dao động từ 210.000 -220.000 đồng/cái, còn xô nhỏ xách nước thì 100.000 – 200.000 đồng/cái hoặc tận dụng chai lọ, bình nước cũ.”, Hạnh nói.

Trẻ nhỏ cũng được huy động đi xách nước
Trẻ nhỏ cũng được huy động đi xách nước

Cùng cảnh ngộ mất nước gần tuần nay, anh Việt Hoàng ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Không riêng gì khu đô thị, nhà tôi cũng đã mất nước mấy hôm nay. Bát ăn xong cũng không có nước mà rửa, quần áo thay ra cũng không có nước mà giặt nên đành phải hạn chế các hoạt động đến mức tối đa.”

Trữ nước trong bể tắm trẻ em
Trữ nước trong bể tắm trẻ em

“Việc mua thùng rồi đi xin nước là không tránh khỏi, thậm chí còn phải mua cả nước bình về đun nấu, tắm cho bọn nhỏ. Mình thì chịu khó lấy khăn lau người thôi chứ cũng chẳng có nước mà dùng.”, anh Hoàng cho biết thêm.

Nhập hàng liên tục không đủ bán

Chị Trần Mai Lan là một tiểu thương kinh doanh các mặt hàng gia dụng tại chợ cóc ở Gia Lâm, vui vẻ cho biết: “Từ lúc nhu cầu sắm thùng nhựa lên cao, mấy nhà trong chợ đều nhập thêm về bán nhưng cũng không xuể. Mỗi ngày bán được 20 - 30 thùng là chuyện bình thường.”

Xếp túi nilon để bán cho khách
Xếp túi nilon để bán cho khách

“Riêng 3 hôm đầu kể từ lúc mất nước, cửa hàng cũng đã bán ngót nghét gần 100 thùng nước loại từ 160 – 220 lít, giá dao động từ 240.000 – 320.000 đồng/cái. Các loại nhỏ hơn chỉ được 50 – 60 cái với giá từ 110.000 – 220.000 đồng/cái.”, chị Lan cho biết thêm.

Can nhựa nhập mới để bán
Can nhựa nhập mới để bán

Anh Nguyễn Bùi Khoa, chủ hàng gia dụng tại chợ Sủi, Gia Lâm cho biết: “Mình cũng theo dõi tình hình của bà con để nhập hàng. Mỗi ngày nhập 30 – 40 thùng nhựa về bán là cũng khá nhiều, nhưng sức mua của người dân cũng là rất cao. Chỉ trong buổi sáng là đã bán hết một phần ba số thùng, chiều người dân đi làm về thấy vẫn chưa có nước là lại nháo nhác lên đi tìm mua thùng nhựa.”

“Mình bán lẻ nên cũng được mỗi thùng to cũng lãi được khoảng 30.000 – 35.000 đồng/thùng, thùng nhỏ 15.000 – 20.000 đồng/thùng. Cứ với tình trạng mất nước kéo dài thế này thì cửa hàng cũng phải tính dọn kho để nhập thêm nhiều hàng về bán hơn.”, anh Khoa cho biết.

Túi nilon cũng đang rất được ưa thích vì rẻ và tiết kiệm diện tích
Túi nilon cũng đang rất được ưa thích vì rẻ và tiết kiệm diện tích

Tuy nhiên, Anh Khoa cho biết: ““Cái khó ló cái khôn”, nhiều người ở chung cư nên diện tích nhà nhỏ. Họ chọn cách mua túi nilon to để trữ nước và bọc bên ngoài bằng bao tải, bao dứa để khỏi rách."


Túi nilon trải ra cũng khá to

Túi nilon trải ra cũng khá to

“Như vậy vừa trữ được nước mà dùng xong có thể vứt đi, tiết kiệm được khá nhiều tiền, lại đỡ chật nhà. Nên mình cũng nhập thêm về bán cả 2 loại túi nilon to, nhỏ đấy với giá 10.000 – 20.000 đồng/túi.”, anh Khoa nói.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm