Mang tiền đi kinh doanh, đi đầu tư sao lại gian nan thế!

(Dân trí) - “Mang tiền thuế nộp cho Nhà nước mà gian nan như thế thì còn việc gì đơn giản hay không? Mang tiền đi kinh doanh, đi đầu tư để tạo việc làm, tăng thu cho ngân sách và nộp thuế sao lại gian nan như thế. Nếu đây là cái tội phát triển thì tội này là tội của chính quyền, của tổ chức”

Đó là câu chuyện và chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo về sửa đổi các Luật về Đầu tư và Kinh doanh vừa tổ chức ngày 22/7.

Mang tiền đi kinh doanh sao mà khó thế?

Đại diện cho giới DN, doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu thực trạng: Qua rà soát 37 luật thôi nhưng có trên 100 quy định cần thay đổi và khoảng 150 các điều đang cản trở tự do. Để cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam hiện nay, thì phải đổi mới, sửa đổi thể chế kinh tế, bắt đầu từ xây dựng pháp luật. Sửa đổi Luật ở đây, không chỉ có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mà còn nằm ở hàng loạt các luật chuyên ngành khác có liên quan kinh doanh, đầu tư.

Chính phủ đang tăng tốc sửa đổi các luật liên quan đến Luật Đầu tư, Doanh nghiệp và đề nghị các DN tham gia góp ý để hoàn thiện hơn
Chính phủ đang tăng tốc sửa đổi các luật liên quan đến Luật Đầu tư, Doanh nghiệp và đề nghị các DN tham gia góp ý để hoàn thiện hơn

Ông này nói thực tế: “Khi Luật ra đời thì cũng phải ít nhất 5 - 6 năm mới được sửa đổi vì lúc đấy mới có báo cáo, kết quả đánh giá. Điều này khiến có thực tế là có Luật ngay từ khi ra đời nhiều chuyên gia đã thấy bất cập, sai rồi. Chính vì vậy, cần sửa ngay khi Nghị định mới ở dự thảo; khi Luật chưa thông qua”.

Ông Lộc nói, trong quá trình xây dựng 50 Nghị định thay thế Thông tư vừa rồi, chúng tôi thấy nhiều quy định còn bất hợp lý, nhưng mà các Bộ vin cớ nói Quốc hội đã ban hành luật rồi thì phải làm.

Ông này nêu rõ: DN và xã hội tất nhiên đều muốn luật ổn định, nhưng phải là sự ổn định hợp lý, không thể cứ ổn định mà trên cơ sở những bất hợp lý được. “Tôi lấy ví dụ, trước đây, khi chứng kiến DN phải vất vả nộp thuế, người đứng đầu Chính phủ hỏi mang tiền thuế nộp cho nhà nước mà gian nan như thế thì còn việc gì đơn giản hay không. Hôm nay thì DN, người dân có tiền mang tiền đi kinh doanh, đi đầu tư để tạo việc làm, tăng thu cho ngân sách và nộp thuế mà lại gian nan như thế. Nếu nói đây là cái tội cho phát triển thì tội này là tội của chính quyền, tội của tổ chức”, ông Lộc phân tích.

Chính vì bất cập trên, cộng đồng DN hoan hô mọi sự thay đổi và mong muốn các DN các ngành nghề không bàng quan trong quá trình Chính phủ, Bộ, ngành soạn thảo luật. “DN thấy bất cập là phải kiến nghị Chính phủ, Bộ sửa đổi ngay. Đừng để tình trạng khi đưa ra dự thảo DN không ý kiến gì nhưng sau khi luật ban hành rồi thì mới kêu không phù hợp. Tôi cho rằng không ai hiểu hơn chính thể chế kinh tế này bằng DN cả”, ông Lộc nhấn mạnh.

Kiến nghị bỏ Luật Đầu tư

Tại Hội thảo trên, vấn đề được các Hiệp hội, DN và chuyên gia kinh tế quan tâm là việc cam kết của các Bộ về sửa đổi các luật chuyên ngành; quá trình tiếp thu ý kiến để loại bỏ các Thông tư trái quy định ra sao. Bên cạnh đó, nhiều người quan tâm đến việc xây dựng bộ luật để điều chỉnh, sửa đổi hoặc loại bỏ các luật khác cả kể Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nếu thấy những quy định bất hợp lý, phi thị trường.

Ông Ngô Việt Hòa, Công ty General Motor cho rằng, Luật Đầu tư lẽ ra chỉ nên quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện đang điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Còn nội dung về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì lẽ ra phải đưa vào Luật Doanh nghiệp, như vậy, nội hàm của Luật Đầu tư không còn nhiều.

Vấn đề quan trọng nhất là Luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một. “Tôi biết là khó, nhưng tốt nhất là làm sao có thể bỏ hẳn Luật Đầu tư, còn những nội dung cần thiết có thể đưa vào Luật Doanh nghiệp để tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất”, ông Ngô Việt Hòa kiến nghị.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Chính phủ và các cơ quan lập pháp đang quyết tâm chính trị cao, làm rất nhiều để xây dựng lại hệ thống luật kinh doanh mà bước đi đầu tiên là đang nỗ lực cao nhất, nhanh chóng hoàn thiện 50 Nghị định của các Bộ đưa lên.

Ông Hà nói: "Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 cùng với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã thể hiện những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế thi hành các luật đã thể hiện nhiều vướng mắc. Trong quá trình hoàn thiện 50 Nghị định, sửa đổi nhiều luật, Chính phủ và các cơ quan tham mưu cho Chính phủ muốn lắng nghe và rất cầu thị từ DN".

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, hiện Chính phủ đang giao trọng trách soạn thảo 1 luật để sửa đổi nhiều luật, chứ không chỉ riêng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho Bộ KH&ĐT. Hơn lúc nào hết, Chính phủ mong cộng đồng DN cùng ngồi lại cùng với nhau để tìm ra câu trả lời, nếu không thì chúng ta sẽ bị thua, tụt hậu so với thế giới và khu vực.

“Đang có dư luận về việc cơ quan quản lý viết luật ra để có lợi cho mình, cho ngành và cho DN mình, nếu nói đây là hiện tượng thì tôi đồng ý, nhưng nếu nói là chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng, của các Bộ thì không có. Thủ tướng đã khẳng định, cấm làm Luật mà cài cắm quyền anh, quyền tôi. Đây là chỉ thị là khẳng định của Thủ tướng, còn trên thực tế việc này vẫn có thể xảy ra, vẫn có chứ không phải không.”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.

Nguyễn Tuyền