Lãi suất riêng cho doanh nghiệp nhỏ chỉ tạo cơ chế "xin cho", "ỷ lại"
(Dân trí) - Trong ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) và dư luận trước khi trình Quốc hội thông qua, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Việc hỗ trợ lãi suất trực tiếp, lãi suất riêng cho khu vực DNVVN sẽ làm méo mó thị trường tài chính, tạo cơ chế xin cho.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC cho hay: Hiện có nhiều ý kiến đề nghị trong Dự thảo Luật trên cần có cơ chế riêng về lãi suất, hạ lãi suất cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. Lãi suất thấp, việc tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn là điều các DN rất cần và có nhu cầu cao. Tuy nhiên, việc can thiệp một cách chủ động, hành chính sẽ gây méo mó thị trường tài chính.
"Hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng; làm méo mó cung cầu và quan hệ tín dụng; không phù hợp với kinh tế thị trường; dễ này sinh tiêu cực, ỷ lại, cào bằng, xin cho; không có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp về chiều sâu và lâu dài", ông Đức phản biện.
Vậy nên, theo LS Đức: "Chúng ta cần giảm thiểu việc hỗ trợ DN bằng lãi suất, mà cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Khi đó, ngân sách tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho DN và ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo ra sản phẩm, quy trình phục vụ tốt nhất và cho vay ưu đãi lãi suất cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Theo chuyên gia trong lĩnh vực pháp chế của ngân hàng, hiện đại đa số DN nhỏ và vừa không đủ điều kiện vay vốn nên phải chấp nhận vay với lãi suất cao, thậm chí ra ngoài vay với lãi suất ngày, cao rất nhiều nhưng vẫn phải chấp nhận.
Các ngân hàng thường "chê" DN nhỏ và vừa năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách thiếu minh bạch, tiềm lực tài chính yếu, tài sản đảm bảo ít, dễ rủi ro.... Do đó, nếu họ được vay thì cũng phải chịu lãi xuất cao hoặc các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ hơn.
"Thực tế nếu đặt quy định DN không nợ đọng, không nợ xấu để áp đặt điều kiện cho vay thực sự rất khó, không khả thi. Chính vì thế, các ngân hàng yêu cầu điều này là làm khó cho DN. Doanh nghiệp đã nhỏ, kinh doanh đã khó thì điều kiện đòi hỏi DN có tài sản đảm bảo, sạch sẽ là rất khó, cực khó cho họ. Còn sang các quỹ bảo lãnh tín dụng phí tăng thêm 0,5% đến 1% tổng cộng vào còn cao hơn. Bảo lãnh như vậy thì thà sang ngân hàng vay với lãi suất cao còn hơn", LS Đức cho hay.
Theo ông Đức, hiện ngoài ngân hàng, chúng ta có một số chính sách hỗ trợ tín dụng như các quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. "Mặc dù quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời cách đây từ 15 năm, nhưng nhiều tỉnh hiện vẫn chưa có quỹ hoặc có thì hoạt động cũng không hiệu quả, không hỗ trợ đúng mục đích và nhu cầu của DN", vị luật sư nêu thực trạng.
Ông Đức nêu ví dụ: Tại Hàn Quốc, để hỗ trợ khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa, họ xây dựng 16 cơ chế gồm các Luật và quy định liên quan, còn Việt Nam chưa có hệ thống quy định hoàn chỉnh. Các DN nhỏ và vừa đóng góp phần lớn vào GDP và phúc lợi xã hội như việc làm. Tuy nhiên, họ đang chịu nhiều thách thức và áp lực đặc biệt về thị trường hàng hóa, tài chính.
Nguyễn Tuyền