Kinh tế biển sẽ đóng góp 53 - 55% GDP

Chiều 7/6, tại Diễn đàn Kinh tế Biển diễn ra tại Hà Tĩnh, ông Chu Phạm Ngọc Hiển-Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53-55% GDP.

Kinh tế biển đóng góp quan trọng cho đất nước (Ảnh minh họa)
Kinh tế biển đóng góp quan trọng cho đất nước (Ảnh minh họa)

Theo ông Hiển, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới; trong khi bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế.

Cũng theo ông Hiển, xu hướng chung của thế giới là tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và lợi thế từ biển đang trở thành những nội dung quan trọng, mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển.

“Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã đề ra mục tiêu phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

Chiến lược đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 5- 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Ông Hiển cho rằng, với chủ đề “Phát triển kinh tế biển xanh: Triền vọng và thách thức” tại Diễn đàn Kinh tế biển năm nay là chủ đề khá mới mẻ nhưng rất có ý nghĩa đối với Việt Nam khi Đảng và Nhà nước đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong thời gian tới được đặt trên nền tảng quan trọng là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển theo định hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần lưu ý phát triển bền vững kinh tế biển phải bao hàm nội dung đồng thời với tăng trưởng kinh tế là xóa đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội cho các vùng ven biển, hải đảo, về môi trường.

“Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, trong quá trình phát triển kinh tế biển đã xảy ra những xung đột lợi ích giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế như khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, du lịch biển và bảo tồn hệ sinh thái, xử lý rác thải, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với bảo vệ đa dạng sinh học, xây dựng cảng biển, khu kinh tế ven biển với bảo vệ an sinh xã hội và môi trường, tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia, các địa phương”, ông Mại nói.

Ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này có bờ biển dài 137km, gồm 3 đảo nhỏ với 4 cảng thương mại và cảng cá, trong đó cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương đang xây dựng đáp ứng cho tàu hàng vạn tấn cập bến.

Mặt khác, Hà Tĩnh có ngư trường rộng, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, nhân dân có truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tiềm năng phát triển du lịch dồi dào trong đó có du lịch biển; tài nguyên khoáng sản trên bờ phong phú, đặc biệt mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á…

Các yếu tố đó, theo ông Sơn, đã đóng vai trò quyết định tới tính khả thi của chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, theo đó Hà Tĩnh đã xác định phấn đấu đến năm 2020 các ngành kinh tế biển và ven biển gồm: khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, kinh tế hàng hải và giao thông biển, du lịch, đô thị ven biển, khai thác nuôi trồng và chế biến thủy hải sản sẽ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh.

“Tôi hy vọng sau khi diễn đàn kết thúc và chuyến tham quan khu kinh tế Vũng Áng của đại biểu vào ngày mai, các bộ ngành trung ương, các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ có nhiều ấn tượng tốt đẹp và giới thiệu được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư phát triển kinh tế biển Hà Tĩnh nói chung và khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia Vũng Áng- Hà Tĩnh nói riêng”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hà - Quyền Trưởng ban Ban Tổng hợp (Viện Chiến lược phát triển- Bộ KH&ĐT), kể từ khi Chiến lược biển ra đời, 5 nhóm ngành, lĩnh vực đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm (Khai thác, chế biến dầu, khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế biến hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; Khu Kinh tế ven biển).

Theo ông Hà, kinh tế biển nói chung đã có những sự khởi sắc, mang lại những kết quả tích cực bước đầu. Hiện, có 18 Khu kinh tế ven biển, 7 sân bay, hơn 90 cảng biển, 65 đô thị,... đã được xây dựng, góp phần đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển toàn quốc. GDP từ biển và khu vực ven biển ước chiếm khoảng gần 50% tổng GDP của toàn quốc.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn, đứng trước thử thách của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bối cảnh quốc tế đã có nhiều sự thay đổi kể từ năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930 xảy ra và sự tranh chấp ngày càng khốc liệt ở các vùng biển trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, trong đó có Biển Đông.

Ở trong nước, sự phát triển thiếu hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng của một số ngành kinh tế biển như hàng hải hay sự thiếu hiệu quả của các khu kinh tế ven biển, và đời sống dân cư ven biển, đảo còn nhiều khó khăn. Tất cả những điều này buộc chúng ta phải có những bước đi thích hợp trong thời kỳ tới đối với sự phát triển các ngành kinh tế biển.

Theo Phong Cầm - Minh Thùy
Tiền Phong