1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Kiến nghị dừng các dự án nhiệt điện than vì lo ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) vừa kiến nghị Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế.

Các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) vừa đưa ra 10 kiến nghị giúp Việt Nam giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than nhằm ngăn chặn sự gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế tại các khu dân cư quanh khu vực nhà máy nhiệt điện than.

Kiến nghị này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương.

Theo hai đơn vị này, các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần giám sát đặc biệt theo chỉ thị nêu trên.

Trong hai năm qua, VSEA đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến các tác động môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng từ hoạt động khai thác than và nhiệt điện than. Báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam của VSEA chỉ ra rằng các nhà máy Hải Phòng I&II, Quảng Ninh, Thái Bình I&II, Mạo Khê, Vĩnh Tân II, Vũng Áng I &II, và Duyên Hải I đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương.

Các cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than đang phải đối mặt hàng ngày với những lo lắng về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh kế, thậm chí bức xúc khiếu kiện. Ngoài ra, chính quyền và người dân địa phương không được cung cấp đầy đủ thông tin về các tác động môi trường và kế hoạch quản lý môi trường của các nhà máy. Chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân không thể tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án này.

Theo VSEA, hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030. Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18,000 MW.

"Đây sẽ là hiểm họa khôn lường cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản của khu vực này", VSEA nhấn mạnh.

VSEA và NCDs-VN cho biết, họ ủng hộ yêu cầu của Bộ trưởng Công Thương về các biện pháp quản lý tro xỉ và hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động mà các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than phải tuân thủ. Giám sát và tăng cường quản lý đặc biệt các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành là một bước đi kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế để khắc phục hậu quả.

Để tránh rủi ro ô nhiễm gây tổn hại cho sức khỏe người dân, 2 tổ chức này đã nêu ra một loạt kiến nghị, trong đó kiến nghị được đưa ra hàng đầu là Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tham vấn rộng rãi với các bên liên quan để huy động các sáng kiến, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững.

Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế.

Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi trường công bố các chỉ số vượt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ô nhiễm môi trường của từng nhà máy cụ thể để đảm bảo minh bạch thông tin và giám sát hiệu quả; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi thông tin của công dân về việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với nhiệt điện nói riêng và các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường nói chung của cả nước.

Nếu các công ty nhiệt điện than có tên trong danh sách giám sát đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp tục không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và các yêu cầu đưa ra trong chỉ thị của bộ này, cần yêu cầu dừng vận hành nhà máy và không được phép tham gia đầu tư các dự án mới.

Trước đó, cùng với việc ban hành Chỉ thị 11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có nhiều phát biểu liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường thể hiện sự quyết tâm của Bộ Công Thương. Ông cho rằng, vấn đề môi trường quá cấp bách cần hành động ngay, bởi "mẹ thiên nhiên" đã nổi giận và không ai được phép chần chừ. Đồng thời, khẳng định, sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Phương Dung