Không có người, nhiều doanh nghiệp “chắp vá” lãnh đạo chủ chốt?
(Dân trí) - Đại diện Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đang có sự “chắp vá” về lãnh đạo chủ chốt, chưa chính thức về người đại diện pháp luật. Trong khi đó, hàng ngày, hàng tuần vẫn phải bán vốn, vẫn phải kinh doanh nhưng không có người đại diện pháp luật nên rủi ro rất cao.
Sáng nay (31/1), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp năm 2017.
Nhiều DN “khuyết” lãnh đạo
Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2017 cả nước đã phê duyệt phương án CPH 69 DNNN (nhiều hơn 14 DN so với năm 2016). Vốn điều lệ của 69 DN này là gần 162.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ hơn 85.000 tỷ đồng. Trong số 69 DNNN này có 21 DN đã IPO, thu về hơn 5.000 tỷ đồng. Sắp xếp theo hình thức khác đối với 3 DN, trong đó giải thể 2 DN và bán 1 DN.
Cả nước đã thoái vốn Nhà nước tại DN được gần 9.000 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về hơn 139.000 tỷ đồng. Tổng thu từ CPH, thoái vốn phải nộp về ngân sách Nhà nước năm 2017 đạt gần 145.000 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu 60.000 tỷ đồng Quốc hội giao).
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1468 về việc phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu của ngành Công Thương”, trong đó đề ra quan điểm, mục tiêu và phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án.
Cũng theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2017 một số Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn. Còn DN bán cổ phần lần đầu (IPO) chưa thành công như Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Becamex Bình Dương.
Tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương - kiến nghị phải niêm yết lên sàn chứng khoán, công khai thông tin. Ông Thanh cũng cảnh báo giới quản trị DNNN trong quá trình CPH nếu sai phạm gì phải kịp thời có giải pháp khắc phục, xử lý những yếu kém, vì sai phạm thường xuất phát từ những việc nhỏ và có thể lặp lại.
Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cũng đưa ra dẫn chứng cần rút kinh nghiệm về Tổng Công ty Sông Đà IPO không thành công, nguyên nhân là ngành nghề không thu hút các nhà đầu tư và cũng có những lí do chủ quan.
Ông Thanh cũng cho rằng, một số DN trong khối Trung ương cán bộ chủ chốt “khuyết” tương đối lớn, trong 33 Tổng Công ty thì có 9 Tổng Công ty bị “khuyết” cán bộ chủ chốt.
Kiến nghị giải pháp giải quyết về vấn đề “khuyết” cán bộ chủ chốt, Bí thư khối DN Trung ương cho rằng: “DN không nên bổ nhiệm làm lãnh đạo đối với cán bộ không đủ nhiệm kỳ, cán bộ sắp về hưu. Bán vốn cần người làm tốt, có thể hoạch định cho tương lai của DN. Phải bổ nhiệm người đủ năng lực, thời gian công tác dài hạn để họ xây dựng và phát triển DN”.
Đồng quan điểm về vấn đề nói trên, đại diện Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đưa ra kiến nghị về sự chính thức về người đại diện pháp luật của DN. “Hiện đang có sự chắp vá, chưa chính thức về người đại diện pháp luật nên quá trình triển khai nhiệm vụ của các Tổng công ty rất khó khăn. Thực tế, hàng ngày, hàng tuần vẫn phải bán vốn, vẫn phải kinh doanh nhưng không có người đại diện pháp luật thì rủi ro rất cao” - đại diện SCIC khẳng định.
“Thiếu người đứng đầu làm gì cũng khó”
Nói về vấn đề “khuyết” lãnh đạo chủ chốt của DN, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết, việc “khuyết” cán bộ chủ chốt có những lí do thực sự. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện ông đang kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, tại Tổng Công ty này cũng mới chỉ có Quyền Tổng Giám đốc.
“Chúng tôi đã sàng lọc, tìm kiếm lãnh đạo chủ chốt cho Tổng Công ty nhưng không được, đưa từ chuyên viên lên thì nhiều nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Với cương vị Chủ tịch kiêm nhiệm tôi cũng không ký tá được gì, nhiều khi mọi người nói đùa là anh cứ ký đi, tôi cũng bảo tôi mà ký thì mọi người vào tù thăm tôi...” - ông Công giãi bày.
Chủ trì cuộc họp này, Phó Thủ tướng cho rằng: “Thiếu người đứng đầu thì làm gì cũng khó, có nơi thiếu 1 lãnh đạo, nhưng như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiếu cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc, như vậy thì không thể giải quyết được các vấn đề của DN”. Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp để có báo cáo đầy đủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sẽ công bố báo cáo về “sức khỏe” của doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, “bức tranh” về “sức khỏe” của DN bây giờ đã khác, hiện một gần nửa DN đang làm ăn có lãi (47%), đây là số lượng khiêm tốn nhưng so với trước kia thì đã tốt hơn nhiều.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm công bố chỉ số phát triển DN, công bố bức tranh phát triển DN trong thời gian vừa qua. Theo Phó Thủ tướng, cần công khai minh bạch các DN như thế nào, DN làm ăn có lãi ra sao, tổng lao động được hưởng lợi như thế nào...
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập tới việc nhiều DN sau CPH không niêm yết trên sàn chứng khoán nên phải kiên quyết. Việc chuyển giao DN về SCIC rất đình trệ, ở đây có tâm lý chờ đợi việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN, cần thúc đẩy việc chuyển giao nhanh chóng hơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp yếu kém, rà soát lại đội ngũ cán bộ tại các Tập đoàn, Tổng Công ty. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài 12 dự án, DN yếu kém của Bộ Công Thương thì đợt rà soát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có thêm 43 dự án, DN yếu, kém. Các DN nếu không phát triển được, không đáp ứng được thị trường thì phải cho giải thể.
Châu Như Quỳnh