1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khăng khăng giữ Thông tư 20, Bộ Công Thương ví nhập ô tô như ...hoa quả!

(Dân trí) - Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Khăng khăng giữ Thông tư 20, Bộ Công Thương ví nhập ô tô như ...hoa quả! - 1

Bộ Công Thương vừa chính thức có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Thông tư 20/2011/TT-BCT sau khi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Tại công văn này, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định: Không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Theo Bộ Công Thương: "Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Thông tư này được ban hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và qua 5 năm thực hiện, đã chứng minh được tác dụng của mình, triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với người tiêu dùng và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô".

"Thông tư 20 cũng không bị bất kỳ Thành viên WTO nào phản đối. Không những thế, Thông tư 20 còn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ủng hộ bởi từ khi Thông tư 20 ra đời, thị trường ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã trở nên trật tự và nề nếp hơn, quyền được an toàn của NTD và của toàn xã hội được bảo đảm hơn. Theo hướng đó, nhiều ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục duy trì Thông tư 20", Bộ Công Thương cho biết.

Tại phần giải trình về các ý kiến phản đối với Thông tư 20, Bộ Công Thương nhắc lại, Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

"Các thủ tục áp dụng cho hàng nhập khẩu như vậy có rất nhiều và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, đều không bị coi là điều kiện điều kiện kinh doanh, ví dụ như: Giấy chứng nhận xuất xứ, Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động thực vật hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, v.v... do cơ quan có thẩm quyền cấp", công văn cho biết.

Bộ Công Thương cũng lấy ví dụ với mặt hàng hoa quả. Tại Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền bỏ vốn đầu tư để kinh doanh mua, bán hoa quả bởi đây không phải là ngành điều kiện kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, khi nhập khẩu hoa quả từ nước ngoài, thương nhân nhập khẩu sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan nếu không xuất trình được một số giấy tờ nhất định. Từ trước tới nay, yêu cầu này không bị coi là điều kiện điều kiện kinh doanh hoa quả, cũng không bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh hay bất kỳ luật nào khác của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, Thông tư 20 chỉ áp dụng cho xe mới và chỉ quy định một thủ tục hành chính để bảo đảm rằng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của chính hãng sản xuất (cũng như mọi quyền lợi khác mà chính hãng sản xuất cam kết với khách hàng) sẽ được các nhà nhập khẩu, phân phối ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tôn trọng. Phương thức để chứng thực sự tôn trọng đó là Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất, kinh doanh bởi thông thường, không một thương nhân nào có thể, hoặc được phép, bảo hành ô tô nếu không được chính hãng ủy quyền.

Cơ quan này cũng khẳng định, Thông tư 20 không vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay pháp luật về quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, Thông tư 20 không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ô tô tại doanh nghiệp đó. Quy định về Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc doanh nghiệp có được Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này.

Theo Bộ Công Thương, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã tự hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí của hãng sản xuất và có được Giấy ủy quyền để tham gia nhập khẩu ô tô. Theo số liệu do Bộ Giao thông vận tải cung cấp, vào năm 2012 (sau khi ban hành Thông tư 20) số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô đã giảm mạnh từ 539 về còn 58 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2015, con số này đã tăng lên thành 314 doanh nghiệp. Đây chưa phải là số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan nhưng trong chừng mực nào đó cũng cho thấy lượng doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô đang tăng lên.

Một số ý kiến cho rằng người tiêu dùng có quyền từ chối bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Quy định thương nhân nhập khẩu, phân phối ô tô phải cung cấp bảo hành, bảo dưỡng chính hãng là vi phạm "quyền được đi xe mà không cần bảo hành" của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận thấy ý kiến này là chưa thỏa đáng bởi khác với nhiều mặt hàng khác, ô tô là mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của người khác khi tham gia lưu thông. Vì vậy, người sử dụng ô tô không những không có quyền từ chối bảo hành mà còn có nghĩa vụ phải bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

"Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định Thông tư 20 không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, do không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" nên tất cả các ý kiến dẫn chiếu số liệu nhập khẩu ô tô thời kỳ 2011-2015 để cho rằng "Thông tư 20 đã không đạt được mục đích hạn chế nhập khẩu, cần phải được bãi bỏ" đều là không phù hợp", Bộ Công Thương cũng cho biết thêm.

Bộ Công Thương bảo vệ "lợi ích nhóm"

Theo đại diện một DN phân phối xe cũ (trước đây là một nhà nhập khẩu xe hơi không chính thức) cho hay: "Các hãng sản xuất, phân phối mở rất ít đại lý chính thức tại một nước bởi họ đưa ra các yêu cầu rất khắt khe. Quá trình đánh giá, thẩm định, thương thảo có thể diễn ra vài năm. Thông tư 20 đã khiến xe nhập về Việt Nam chênh giá rất cao so với giá xe không chính thức cùng loại, nếu có đủ option thì giá cao hơn từ 20 - 30%.

Vị này nhấn mạnh: Quy định Thông tư 20, thực tế là “cấm” DN được kinh doanh, nhập khẩu bởi các nhà sản xuất và phân phối chính hãng chỉ làm việc với vài ba DN tại một nước. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu xe còn có nhiều đại lý liên kết với hãng, đại lý phân phối ủy nhiệm khu vực, nước của hãng. Xe nhập từ đây cũng đi ra các thị trường khác rất nhiều, thì tại sao không được nhập từ họ".

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, VCCI: Các quy định của Thông tư 20 thực chất là các điều kiện kinh doanh dưới Luật do Bộ Công Thương đưa ra. Hiện Chính phủ yêu cầu, những Thông tư nào không còn phù hợp thì nên bãi bỏ, việc đưa quy định Thông tư 20 vào dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương là không hợp lý, không tính đến yếu tố phát triển của thị trường và đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long bình luận: "Khi Thông tư 20 ra đời, quy mô thị trường tiêu thụ xe hơi của Việt Nam rất bé. Nhưng nay, quy mô thị trường đã lớn, rộng thì phải có chính sách phù hợp. Quyền lực nhập khẩu không thể tập trung vào tay chỉ một vài DN lớn khiến lũng đoạn giá, bóp méo thị trường được. Tại sao các DN vừa sản xuất, vừa được nhập khẩu, điều đó có làm ảnh hưởng đến chiến lược ngành công nghiệp ô tô hay không? có kích thích họ nội địa hóa để nâng cao mức cạnh tranh hay không? Thị trường và người tiêu dùng đang chịu thiệt về giá bởi quyền nằm trong tay của một vài đơn vị nhập khẩu khiến giá xe nhập tại Việt Nam cao hơn nhiều so với cùng loại ở các nước lân cận, có cùng chính sách thuế, cùng hoặc dưới mức thu nhập".

Đồng tình quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế cho hay: "Xe nhập về Việt Nam, nếu ô nhiễm môi trường thì Hải Quan phải chịu trách nhiệm vì ta có tiêu chuẩn, quy chuẩn có rồi, sao anh vẫn cho nhập xe không đảm bảo môi trường. Đấy là chưa nói: công nghệ sản xuất xe hơi trên thế giới nhiều nước tiên tiến hơn hẳn Việt Nam. Việc bảo vệ quan điểm ô nhiễm môi trường chỉ có lợi cho một vài nhóm lợi ích. Đối với tắc nghẽn giao thông vì xe nhập. Xin thưa! dân có tiền thì cũng sẽ mua ô tô trong nước lắp ráp, cũng tắc nghẽn giao thông. Cái quan trọng bây giờ phải cởi bỏ tư duy, giải quyết những vấn đề cốt yếu, đừng không quản được là cấm, đừng ban hành điều kiện kinh doanh để phục vụ một nhóm lợi ích mà quên đi lợi ích của thị trường, xã hội”.

Phương Dung