Hơn 98.000 tổ hợp tác sẽ phải đăng ký hoạt động và bị quản lý
(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng Nghị định về các tổ hợp tác trên cả nước, theo đó 98.800 tổ hợp tác sẽ được cấp mã số, quản lý đăng ký kinh doanh như các doanh nghiệp (DN). Bộ KH&ĐT khẳng định, việc đưa tổ hợp tác vào "khuôn khổ" đăng ký kinh doanh sẽ không phát sinh chi phí, không gia tăng điều kện kinh doanh.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, cả nước hiện có hơn 98.800 tổ hợp tác, với hơn 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm cho hơn 1 triệu người. Mức doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 36.000 tổ hợp tác trên cả nước đăng ký kinh doanh và đăng ký hoạt động. Còn lại đa số tổ hợp tác chuyển đổi kinh doanh hoặc phá sản, hoặc không đăng ký hoạt động theo ngành nghề, lĩnh vực.
Từ năm 2015 khi Quốc hội thông qua Luật Dân sự, các quy định liên quan đến tổ hợp tác đã thay đổi. Chính vì vậy, cần thiết ra đời Nghị định nhằm khắc phục những hạn chế và hỗ trợ các tổ hợp tác tốt hơn về chính sách và địa vị pháp lý.
Trong dự báo vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ KH&ĐT đề nghị: cấp đăng ký và mã số cho từng tổ hợp tác. Yêu cầu các tổ hợp tác đăng ký hoạt động, đăng ký kinh doanh theo lĩnh vực, ngành nghề để quản lý Nhà nước tốt hơn, hỗ trợ chính sách của Nhà nước đến với khu vực kinh tế "siêu nhỏ" này tại nhiều địa phương.
Bộ KH&ĐT khẳng định: Chính sách đăng ký tổ hợp tác nhằm minh bạch hóa địa vị của tổ hợp tác, cập nhật thông tin tổ hợp tác vào hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã.
Đối với chính sách về phí, lệ phí đăng ký tổ hợp tác, hiện nay mức thu phí đối với đăng ký hợp tác xã chỉ phổ biến ở khoảng 30.000 đồng/hợp tác xã. Chi phí này theo Bộ KH&ĐT sẽ không phát gánh nặng cho các tổ hợp tác trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ này cho biết, sẽ không có thêm các điều kiện kinh doanh nào được đặt ra trong quá trình đăng ký hoạt động, hỗ trợ chính sách cho các tổ hợp tác.
Về sức ép với thể chế, Bộ này cho rằng với số tổ hợp tác như trên, theo quy định mới thì mỗi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chỉ phải tiến hành cấp đăng ký cho 50 tổ hợp tác.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đa số các chính sách hiện nay của Nhà nước chưa quan tâm đến việc hỗ trợ, hình thành và phát triển của tổ hợp tác. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trên cơ sở tự phát, hợp tác lỏng lẻo, không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng, không được hỗ trợ vay vốn, v.v... Những điều này làm hạn chế rất nhiều khả năng phát triển số lượng tổ hợp tác.
Tại các địa phương, người dân đã thành lập một số tổ hợp tác dịch vụ tài chính, chăn nuôi, chăm sóc cây con... Tuy nhiên, do chưa có tính pháp lý nên bất cập đã xảy ra khi xuất hiện nhóm "hụi" huy động bất chính vốn, tài sản, gây bức xúc dư luận.
Bộ KH&ĐT khẳng định, Nhà nước hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhưng rất ít chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, các nhà soạn thảo chính sách “gần như quên sự tồn tại của tổ hợp tác”. Trong khi đó, mô hình tổ hợp tác rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nguồn để có thể hoạt động và phát triển tốt.
Nguyễn Tuyền