1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nếu vi phạm, doanh nghiệp phải bồi thường

(Dân trí) - Góp ý kiến về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), Ủy ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.

Chiều nay (8/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV).

Ông Dũng cho biết, ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (từ 97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV.

Hầu hết các quốc gia đã thể chế hoá hỗ trợ DNNVV dưới hình thức đạo luật hoặc luật (Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan). Thậm chí ở một số quốc gia, việc bảo vệ, hỗ trợ DNNVV được quy định trong Hiến pháp như Hàn Quốc, Đài Loan.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp

Dự luật đưa ra các nội dung hỗ trợ cơ bản đối với DNNVV, bao gồm gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV.

"Tuy nhiên, không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV mà những hỗ trợ cơ bản này thực hiện chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DNNVV", ông Dũng khẳng định.

Đề cập đến nội dung hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh nghiệm quốc tế trong miễn, giảm thuế TNDN cho DNNVV cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng thuế suất TNDN thấp hơn mức thông thường cho DNNVV.

Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu của OECD, chênh lệch thuế suất TNDN của DNNVV so với thuế suất thông thường tại Bỉ lên tới 11%, Canada (15%), Pháp (19%), Hungary (6%), Nhật Bản (15%), Hàn Quốc (12%), Hà Lan (5,5%), Anh (7%) ...

Các quốc gia trong khu vực cũng có các chính sách tương tự, cụ thể: doanh nghiệp nhỏ ở Malaysia được ưu đãi thuế suất TNDN 19% so với mức thông thường là 25%; DNNVV ở Singapore được miễn thuế TNDN một phần với các mức miễn 50% hoặc 75%; doanh nghiệp khởi nghiệp ở Singapore được miễn thuế tối đa 200.000 đôla Singapore mỗi năm trong 3 năm đầu hoạt động; Thái Lan miễn và áp thuế TNDN giảm ở mức 10% cho DNNVV cho các thời điểm khác nhau...

Ngân sách Nhà nước trích kinh phí để hỗ trợ DNNVV

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn hỗ trợ DNNVV thời gian qua và qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 56 cho thấy, một trong số những hạn chế, bất cập của Nghị định này là không có nguồn kinh phí để tổ chức triển khai hỗ trợ DNNVV, tức chưa quy định hoặc chưa tạo ra được cơ chế hình thành nguồn kinh phí để hỗ trợ DNNVV.

Vì vậy, dự thảo Luật quy định: "Hàng năm, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV lập dự toán ngân sách đối với các nội dung, chương trình hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật này để tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN". Kinh phí thực hiện các nội dung, chương trình hỗ trợ sẽ được tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để cân đối theo đúng quy định của Luật NSNN.

Tuy nhiên, quan điểm đưa ra vẫn là Nhà nước hạn chế hỗ trợ trực tiếp, chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Vì vậy, NSNN dành cho hỗ trợ DNNVV mang tính chất hỗ trợ tạo ra những hạ tầng hỗ trợ chung (phát triển các cơ sở ươm tạo …) hoặc đầu tư ban đầu mang tính chất “vốn mồi”.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ, hỗ trợ cho DNNVV. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, hỗ trợ cho DNNVV được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật. Đây là một nội dung mới so với Nghị định 56 nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ DNNVV.

Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các DNNVV sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để đối tượng DNNVV được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước .

Liên quan đến quy định về quyền và nghĩa vụ của DNNVV, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.

Bích Diệp