Thanh Hóa:
Hàng trăm dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ nghi vấn hoạt động dạng “tín dụng đen”
(Dân trí) - Thời gian qua, hoạt động tín dụng bất hợp pháp hay còn gọi “là tín dụng đen” diễn biến khá phức tạp, nhiều vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn Thanh Hóa. Nhiều vụ có dấu hiệu phạm tội theo kiểu xã hội đen, gây bức xúc dư luận xã hội và nhân dân.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng bất hợp pháp hay còn gọi “là tín dụng đen” trên địa bàn diễn biến khá phức tạp.
Trong đó có nhiều vụ vỡ nợ “tín dụng bất hợp pháp” xảy ra với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội và an ninh trật tự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh các loại tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật...Nhiều vụ có dấu hiệu phạm tội theo kiểu xã hội đen, gây bức xúc dư luận xã hội và nhân dân.
Theo số liệu của cơ quan điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh này có 136 dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và 175 đối tượng nghi vấn biểu hiện hoạt động dạng “tín dụng đen”. Thời gian gần đây, các lực lượng của Công an trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, khám phá 6 vụ có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Đặc điểm của loại tội phạm này là cho người khác vay tiền có thời hạn, lãi suất ở mức rất cao, phổ biến là cho vay tháng với lãi suất từ 3- 15%/tháng (khoảng 36 đến 54%/năm); vay ngày với lãi suất từ 0,3- 0,5, hoặc 1%/ngày (khoảng 180-360%/năm). Ngoài ra, còn các kiểu cho vay trả góp, cho vay qua lối lấy họ, hụi… đều có lãi suất vay rất cao.
Những giao dịch giữa hộ dân với người vay thường rất lỏng lẻo pháp lý, chỉ bằng giấy ghi nhận đơn thuần Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan chức năng, trên giấy vay tiền không thể hiện mức lãi suất và phương thức tính lãi, hoặc ghi mức lãi suất thấp hơn thực tế cho vay để trốn tránh pháp luật...
Đến thời hạn mà người vay chưa trả nợ, chủ cho vay tính lãi gộp vào gốc và bắt người nợ viết giấy vay tiền mới để tiếp tục tính lãi mới theo tiền gốc mới. Cứ như vậy, để tính lãi chồng lãi, số tiền nợ tăng lên nhanh gấp nhiều lần. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt là các đối tượng lưu manh, chuyên nghiệp luôn tìm mọi cách để “lách luật” và đối phó với cơ quan chức năng.
Qua thực tế điều tra của Công an Thanh Hóa cho thấy, hầu hết các nạn nhân là những người nghèo, thiếu hiểu biết về xã hội và pháp luật, cộng với động cơ hám lợi nên đã bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, cần phải siết chặt quản lý nhà nước về cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các hoạt động công chứng, nhất là công chứng tư, chứng thực việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất...
Riêng đối với lực lượng Công an cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và trấn áp mạnh các băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng bất hợp pháp"; phối hợp với các cơ quan tư pháp tập trung điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, cố ý gây thương tích, ném chất bẩn vào nhà… để siết nợ, cưỡng đoạt tài sản nhằm ngăn ngừa hậu quả xấu đối với xã hội.
Theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trần Lê