1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hạn chế cho vay ngoại tệ: Lãi suất huy động USD sẽ xuống mức âm?

(Dân trí) - Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động USD sẽ không xuống mức âm do các ngân hàng vẫn cần vốn ngoại tệ để cho vay. Về lâu dài, những quy định tại Thông tư 24 sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.

Ông đánh giá thế nào trước quy định tại Thông tư 24 của NHNN về dừng cho vay bằng ngoại tệ từ ngày 31/3/2016 đối với nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam?

Theo thông tư 24, các doanh nghiệp chỉ được vay ngoại tệ đến 31/3/2016 để thanh toán trong nước khi có nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu. NHNN đã linh hoạt tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay ngoại tệ để thanh toán trong nước trong vài năm gần đây do muốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô la hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN và Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Do đó, NHNN nhiều khả năng sẽ ngưng cho vay ngoại tệ cho thanh toán trong nước vào 31/3/2016.


Ông Phạm Hồng Hải: Về lâu dài, những quy định tại Thông tư 24 sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.

Ông Phạm Hồng Hải: Về lâu dài, những quy định tại Thông tư 24 sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.

Theo ông, qui định trên sẽ có những ảnh hưởng gì đối với cho doanh nghiệp và phía ngân hàng?

Khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND. Lãi suất cho vay bằng VND chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay USD dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất vay USD và VND hiện nay không quá lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham gia bán kỳ hạn doanh thu xuất khẩu ngoại tệ nếu họ kỳ vọng VND không mất giá nhiều như chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng VND sẽ mất giá nhiều hơn chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền, các doanh nghiệp có thể bán giao ngay khi thu được doanh thu xuất khẩu.

Ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn VND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang vay VND. Nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm và các ngân hàng cũng không cần đẩy mạnh các hoạt động để huy động ngoại tệ.

Dưới góc độ ngân hang, theo đánh giá của, tại sao lại có thông tư này?

Như đã nói ở trên, thông tư này nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đô la hóa nền kinh tế. NHNN muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.

Sau khi quy định này có hiệu lực, doanh nghiệp không được vay USD để sản xuất kinh doanh, vậy theo ông, lãi suất huy động USD hiện nay đang bằng không liệu có xuống mức lãi suất âm hay không? Tại sao, thưa ông?

Theo tôi, lãi suất huy động USD sẽ không xuống mức âm do các ngân hàng vẫn cần vốn ngoại tệ để cho vay các doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu và có nhu cầu thanh toán nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của quốc gia.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất USD của thế giới đã tăng sau khi Fed bắt đầu tăng lãi suất Fed funds vào tháng 12/2015 và nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016.

Theo ông, có nên gia hạn quy định này thêm một thời gian nữa hay không?

Quy định này cũng đã được gia hạn một vài năm nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Theo tôi, cũng đã đến lúc NHNN bắt đầu thực thi quy định để từng bước thực hiện lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế.

Ngày 08/12/2015, NHNN ban hành Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 24). Thông tư 24 NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và thay thế Thông tư 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 43).

Theo Thông tư 24, trong bốn nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì chỉ một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31/3/2016, đó là với trường hợp doanh nghiệp chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ. Đây là nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Phương Linh

Hạn chế cho vay ngoại tệ: Lãi suất huy động USD sẽ xuống mức âm? - 2