1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hai năm tới sẽ không tăng mạnh giá bảo hiểm y tế

(Dân trí) - Tại cuộc họp về nội dung sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo từ nay đến năm 2020 chưa xem xét việc nâng mệnh giá bảo hiểm y tế nên cần tính toán mức đóng, quyền lợi của người dân cho phù hợp.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng về vấn đề dư luận gần đây quan tâm là thông tin điều chỉnh, tăng mệnh giá đối với bảo hiểm y tế, đối với người dân, đối tượng khám chữa bệnh.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo từ nay đến năm 2020 không tăng mệnh giá bảo hiểm, người dân vẫn đóng mức phí và mua bảo hiểm với mệnh giá như cũ (ảnh minh hoạ)
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo từ nay đến năm 2020 không tăng mệnh giá bảo hiểm, người dân vẫn đóng mức phí và mua bảo hiểm với mệnh giá như cũ (ảnh minh hoạ)

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định: Các chính sách về BHYT phải phù hợp với khả năng của các chủ thể liên quan là khả năng đóng của doanh nghiệp, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân.

Hiện phần lớn kinh phí tham gia BHYT do nhà nước đóng, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Từ nay đến năm 2020 chưa xem xét việc nâng mệnh giá bảo hiểm y tế nên cần tính toán mức đóng, quyền lợi cho phù hợp; đảm bảo sự bền vững của Quỹ, cân đối theo từng năm, việc đưa ra chính sách phải căn cứ vào khả năng của các bên liên quan và thực lực của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để bảo đảm hài hòa quyền lợi của tất cả các bên tham gia BHYT (người dân, cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội) cần đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chống gian lận, trục lợi, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và cơ sở khám, chữa bệnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành rà soát, bổ sung, chỉnh lý lại dự thảo Nghị định đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gửi xin ý kiến của các Bộ, cơ quan: Tài chính, Tư pháp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để có ý kiến cụ thể về các nội dung của dự thảo Nghị định. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định để ban hành trong năm 2017.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, tính toán và báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2018 về khả năng năm 2018 điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 3.

An Linh