Hai bộ trưởng bị "soi" lời hứa: Còn nhiều điều kiện kinh doanh trong ngành không cần thiết
(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, Tổ công tác của Thủ tướng vừa hoàn tất việc kiểm tra Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Kết quả cho thấy hai bộ vẫn cần cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh đang bị cho là chồng chéo, vô lý.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/1/2017 đến 31/3/2018, Thủ tướng đã giao tổng số 26.583 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 15.120 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 12.879, quá hạn: 2.241); 11.463 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 10.955, quá hạn: 508 - chiếm 4,7%, tăng 1,9% so với tháng trước).
Trong tháng 3, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành Tư pháp: Còn nhiều điều kiện kinh doanh "khó hiểu"
Kết quả cho thấy, Bộ Tư pháp đã gương mẫu, đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm và đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, không có nhiệm vụ quá hạn nợ đọng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2017 đến 15/3/2018, có tổng số 434 nhiệm vụ giao Bộ Tư pháp. Trong đó, đã hoàn thành 378 nhiệm vụ (đúng hạn: 371; quá hạn: 07); 56 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn.
Trong quý I/2018, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật và cá biệt. Tổ Công tác đánh giá, chất lượng công tác thẩm định, thẩm tra văn bản hành chính và văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư Pháp ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của văn bản.
Đặc biệt, Bộ rất chủ động, khẩn trương trong việc đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, quy hoạch nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp… Thủ tướng đã gửi lời khen ngợi Bộ trưởng Lê Thành Long về cuộc trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 19/3 vừa qua.
"Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số mặt công tác của Bộ còn hạn chế, bất cập, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm, khắc phục", Tổ công tác nêu. Cụ thể, Bộ Tư pháp cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo cán bộ kế cận; số lượng án dân sự tồn đọng chưa được thi hành còn nhiều; chưa có phản ứng kịp thời đối với một số vụ kiện, tranh chấp quốc tế; còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật; công tác củng cố hệ thống tư pháp địa phương chưa đạt hiệu quả cao; công tác quản lý luật sư...
Về kết quả rà soát, xây dựng phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong tổng số 98 điều kiện kinh doanh hiện nay của Bộ, có nhiều điều kiện quy định chung chung, chồng chéo, khó hiểu, không lượng hóa được, dễ tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực, cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ, như: “Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”; “Có sức khỏe”; “Có phẩm chất đạo đức tốt”; “Có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan”; “Có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”; “Có sức khỏe bảo đảm hành nghề công chứng; “Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế”...
Hiện, Bộ Tư pháp đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh, đạt 44%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Còn nhiều điều kiện kinh doanh cất cập, chồng chéo
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số nhiệm vụ mà Thủ tướng giao từ ngày 1/1/2017 đến ngày 15/3/2018 là 684 nhiệm vụ. Trong đó, Bộ đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (đúng hạn: 474; quá hạn: 51); 159 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn.
Tổ công tác đánh giá, với ssự chỉ đạo quyết liệt, tận tụy và nhiều nỗ lực trong tiếp cận xu thế mới của khu vực và thế giới để hội nhập và cải cách mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác. Nhiều bất cập về giáo dục và đào tạo được khắc phục (kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và và Luật Giáo dục đại học; năm 2017 Bộ hoàn thành 100% việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các Đề án, Chương trình, các văn bản quy phạm pháp luật được giao); hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non; đổi mới giáo dục đạt được nhiều kết quả; công tác kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Tổ Công tác cho rằng, Bộ này cần rà soát lại một số vấn đề còn bất cập, như tổ hợp xét tuyển sinh của một số trường đại học; biên chế giáo viên; phẩm chất, đạo đức nhà giáo; xúc phạm danh dự, hành hung giáo viên, bạo lực học đường; việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư; đẩy nhanh việc xây dựng hai Đại học Quốc gia, Đại học vùng; công tác cải cách hành chính của Bộ.
Về kết quả rà soát, đề xuất phương án cắt giảm và bãi bỏ điều kiện kinh doanh năm 2017, Bộ đã cắt giảm được 29 điều kiện, đơn giản hóa được 22 điều kiện. Đến nay, Bộ còn 212 điều kiện kinh doanh và dự kiến tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 64 điều kiện. Như vậy, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh Bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa là: 91/212 điều kiện, chiếm 42,9%.
Tổ Công tác cho rằng, trong tổng số 212 điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ vẫn có nhiều điều kiện quy định không cần thiết, bất cập, chồng chéo, khó hiểu, không cụ thể, cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ, như: “Có quyết định được thành lập hoặc cho phép được thành lập”; “quy định về diện tích sàn xây dựng” khi thành lập trường (quy định này đã quy định về cơ sở vật chất), “có đủ nguồn lực tài chính theo quy định”, “ có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường”, “có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị” (quy định này đã quy định trong điều kiện thành lập trường”, “các điều kiện khác”, “không bị dột nát”; có điều kiện thành lập trùng lặp với điều kiện hoạt động...
H.Anh