APEC 2017:

Giảm thiểu rủi ro thiên tai: Làm sao để ngân sách "nhẹ gánh"?

(Dân trí) - Nằm trong khu vực, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm

Trước Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/2 tới, hôm nay (21/2), Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Chính sách Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai”.


Hội thảo “Chính sách Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai” diễn ra sáng nay 21/2 tại Nha Trang

Hội thảo “Chính sách Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai” diễn ra sáng nay 21/2 tại Nha Trang

Thông tin từ Ban Tổ chức Hội thảo “Chính sách Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai”, trong vòng 10 năm (2005-2014), khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên, chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu. Đã có gần 500 nghìn người thiệt mạng, 1,4 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên, chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu. Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD, tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra.

Nằm trong khu vực, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua Việt Nam đã chú trọng xây dựng, triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch và chính sách phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai như: Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2007), Luật Phòng, chống thiên tai (2013)...


Ông Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính: Các giải pháp tài chính hiện vẫn chưa đáp ứng hiệu quả yêu cầu giảm thiểu rủi ro thiên tai

Ông Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính: Các giải pháp tài chính hiện vẫn chưa đáp ứng hiệu quả yêu cầu giảm thiểu rủi ro thiên tai

“Trong tổng thể các giải pháp về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các giải pháp tài chính đóng vai trò quan trọng. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng đến nay việc xây dựng và thực thi các giải pháp tài chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ hiệu quả cho việc phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hầu hết các giải pháp đang được áp dụng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách chính phủ mà chưa thực hiện nhiều các biện pháp chuyển giao rủi ro".

Do đó, việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Trong đó, giải pháp về bảo hiểm là một công cụ, hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách cho chính phủ, chuyển giao rủi ro ra thị trường mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai.

Hội thảo lần này được xem là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu... đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế cùng nhau thảo luận, đánh giá về các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai qua đó đề xuất các chính sách ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Theo chương trình dự kiến, tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung bàn thảo các vấn đề: Tổng quan về sáng kiến tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai (DRFI) và triển khai trong APEC; Chiến lược tài chính quốc gia ứng phó với rủi ro thiên tai; Phát triển cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong APEC năm 2017.

Khánh Hiền