1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Giám đốc Sở bị điều chuyển công tác vì “ngâm” hồ sơ của doanh nghiệp

(Dân trí) - Ngay sau quyết định điều chuyển sang vị trí phó Ban Tổ chức tỉnh ủy, bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) đã làm đơn xin nghỉ công tác và tự viện dẫn 4 vụ việc chậm trễ trong số 90 hồ sơ bị “ngâm tôm” trong thời gian qua tại sở TN&MT tỉnh BRVT.

Nỗi “ám ảnh” của doanh nghiệp!

hoso4-1467080942843

Hồ sơ bị "ngâm tôm" tại Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp

Gần đây Báo Dân trí liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh BRVT phản ánh về việc bị "ngâm tôm" hồ sơ tại Sở TN&MT tỉnh này.

Điển hình, là trường hợp của ông Trịnh Hàng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh BRVT (gọi tắt là UDEC) cho biết, dự án cao ốc Bàu Sen của công ty (góc đường Hoàng Hoa Thám – Võ Thị Sáu tỉnh TP. Vũng Tàu) làm thủ tục bên Sở TN&MT để chuyển nhượng phần vốn cho công ty Hưng Thịnh vào ngày 24/2/2016.

Theo quy định trong vòng 20 ngày Sở này phải hoàn tất các thủ tục để chuyển giao cho bên Hưng Thịnh. Nhưng sau rất nhiều lần, ông Hàng lên Sở TN&MT để làm việc trực tiếp với bà Công nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết. "Gần như ngày nào chúng tôi cũng phải bám bên Sở đề nghị giải quyết hồ sơ nhưng không có kết quả", ông Hàng cho biết.

Ông Hàng kể: “Khoảng 2 tháng sau, quá bức xúc trước cách làm việc chậm trễ của Sở TN&MT, chúng tôi phải phát văn bản kêu cứu qua Thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh đề nghị những người có trách nhiệm ở tỉnh phải giải quyết dứt điểm cho chúng tôi, chứ không để tình trạng này diễn ra kéo dài, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho doanh nghiệp. Mãi đến 25/6 chúng tôi mới được giải quyết. Trong khi việc này đánh lẽ chỉ trong 20 ngày mà Sở TN&MT lại kéo dài đến tận 4 tháng”.

Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn bị làm khó ở dự án khách sạn NEMO ở thị trấn Tân Thành, huyện Phú Mỹ. “Chúng tôi đầy đủ hồ sơ nên theo quy định của pháp luật trong vòng 20 ngày phải giải quyết nhưng từ tháng 10/2015 đến tận tháng 4/2016 chúng tôi mới được giải quyết. Do việc chậm trễ này, khiến chúng tôi ảnh hưởng toàn bộ tiến độ, kế hoạch để đưa khách sạn vào kinh doanh. Tất cả những gì chúng tôi dự tính đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những thiệt hại này ai là người gánh cho chúng tôi?”, ông Hàng bức xúc.

Trong một trường hợp khác, ông Võ Hùng Phi GĐ công ty Kim Ngươn cũng phản ánh việc không nhất quán trong quan điểm xử lý vấn đề của Sở TN&MT khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi.

Cụ thể, năm 2013, chủ đầu tư trung tâm thương mại huyện Tân Thành bị UBND tỉnh thu hồi và giao lại cho công ty Kim Ngươn bằng hai văn bản. Sau khi được tỉnh chấp thuận, công ty Kim Ngươn về Sở TN&MT làm thủ tục năm 2014. Lúc này Sở TN&MT hướng dẫn, theo luật đất này phải đấu giá chứ không phải giao, doanh nghiệp chấp thuận phương án đấu giá như Sở TN&MT yêu cầu. Tiếp đó, tháng 11/2015 UBND tỉnh họp, giao UBND huyện Tân Tành tổ chức đấu giá, trong buổi họp này có người của Sở TN&MT và các thành phần tham gia họp đều thống nhất trong biên bản làm việc là giao UBND huyện Tân Thành tổ chức đấu giá.

UBND huyện Tân Thành hoàn tất thủ tục đấu giá trong vài tháng, khi khâu chuẩn bị đã xong thì bất ngờ tháng 4/2016, Sở TN&MT có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị giao cho Trung tâm quỹ đất của Sở tổ chức đấu giá, không giao cho huyện. Lúc này Trung tâm quỹ đất lại quay lại quy trình từ đầu, UBND huyện Tân Thành lại rút. Điều không nhất quán trong quan điểm giải quyết vấn của Sở TN&MT lại được thể hiện thêm một lần nữa, khi cách đây khoảng 1 tháng, cơ quan này lại có văn bản trình kiến nghị UBND tỉnh, giao cho UBND huyện Tân Thành tổ chức đấu giá. Quy trình lại vòng lại từ ban đầu.

Chịu chung số phận bị “ngâm tôm” hồ sơ như các trường hợp ở trên là công ty Việt Séc. Công ty Việt Séc có dự án đầu tư “Bến thuyền du lịch” và được cấp phép 4 năm nay nhưng Sở TN&MT vẫn chưa hoàn thành thủ tục “cho thuê mặt nước” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng và khai thác dự án.

Ông Lê Minh Đảo, Giám đốc công ty Việt Séc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT khi tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp phải công tâm, khách quan, không làm khó doanh nghiệp, không suy diễn, diễn giải luật theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn rất nhiều ý kiến phản ánh Sở TN&MT như: công ty VARD Vũng Tàu, công ty TNHH POSCO SS VINA, trường trung cấp chuyên nghiệp Bà Rịa, Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu…

“Lập lờ đánh lận con đen”

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị điều chuyển công tác do ngâm tôm 90 bộ hồ sơ của doanh nghiệp
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị điều chuyển công tác do "ngâm tôm" 90 bộ hồ sơ của doanh nghiệp

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, việc điều chuyển công tác bà Lê Thị Công, được lãnh đạo tỉnh này cho là “giọt nước tràn ly”, khi các kiến nghị liên tục với tần suất ngày càng dày đặc được các doanh nghiệp gửi lên thường trực tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh BRVT.

Việc bà Lê Thị Công bị điều chuyển công tác do không đáp ứng được yêu cầu trong công việc và bị nhiều doanh nghiệp phản ứng về cách làm việc. Điều này thêm một lần nữa được chứng minh thông qua kết quả kiểm tra cải cách hành chính tại Sở TN&MT. Theo kết luận của Sở Nội vụ, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính có đến 35% hồ sơ trễ hẹn so với quy định, trung bình các hồ sơ này trễ hẹn từ 1,5 đến 2 tháng nhưng không có văn bản xin lỗi tổ chức, công dân theo quy định. Nguyên nhân trễ hẹn này cũng được chỉ ra là do tác nghiệp giữa 2 cơ quan Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục quản ký đất đai còn rườm rà. Các đơn vụ trực thuộc Sở TN&MT cũng được Sở Nội vụ chỉ ra sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hành chính: Chi cục quản lý môi trường 37%, phòng tài nguyên nước 50%, Chi cục quản lý đất đai 35%...

Theo ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh BRVT, việc điều chuyển bà Công đơn thuần là không đảm bảo vị trí công tác. “Chúng tôi nghe doanh nghiệp phản ứng nhiều quá, Ban thường vụ tỉnh ủy cũng có ý kiến là sao để doanh nghiệp người ta kêu hoài vậy? Nếu để tình trạng này kéo dài, việc thu hút đầu tư làm sao được? ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư của tỉnh lắm”, ông Trình thông tin.

Ông Trình cho biết thêm: “Trong các cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy, tôi cũng nêu rõ quan điểm, chị Công không phải là trường hợp cuối cùng, Giám đốc Sở nào làm không tốt, bị doanh nghiệp phản ánh nhiều, ảnh hưởng đến cái chung của tỉnh, chúng tôi cũng điều động sang vị trí công tác khác. Nhường cho người có đủ bản lĩnh, đủ trách nhiệm, đủ năng lực chuyên môn người ta làm chứ, cứ sợ trách nhiệm thì làm được cái gì?”.

Liên quan đến những kiến nghị làm rõ 4 dự án mà bà Lê Thị Công đưa ra, UBND tỉnh BRVT cho biết đang tiến hành thanh tra, làm rõ trách nhiệm sai phạm nếu có. Việc bà Lê Thị Công bị điều chuyển, cùng đó là quyết định xin nghỉ việc và đề nghị thanh tra bốn dự án mặc nhiên làm dư luận ngộ nhận bà Công đang bị “nhóm lợi ích” nào đó của tỉnh ép chuyển công tác.

Hiện nhiều luồng dư luận cho rằng việc bà Công bị điều chuyển công tác, ngay sau đó là động thái xin nghỉ việc và đề nghị thanh tra các dự án có dấu hiệu sai phạm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, không thể “lập lờ đánh lận con đen”, để hướng dư luận có một góc nhìn không mấy thiện cảm cho những người đang cố gắng tiếp sức cho những doanh nghiệp mà họ được coi xương sống của nền kinh tế.

Trong vụ việc bà Công bị điều chuyển công tác, có thể dễ dàng nhận thấy lý do là do bà Công chậm trễ trong giải quyết công việc. Việc điều chuyển công tác đối với cán bộ trong bộ máy chính quyền là việc làm hết sức bình thường, khi mà tổ chức nơi cán bộ này công tác xác định họ có những khiếm khuyết làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của một địa phương.

Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên