Điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam sắp rẻ hơn điện than
(Dân trí) - “Than hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều rồi, thủy điện lớn cũng khai thác hết rồi nhưng gió và ánh sáng mặt trời là “của nhà trồng được”, không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và cũng không bao giờ hết nên trong tương lai, điện gió và điện mặt trời rẻ hơn điện than là điều chắn chắn”.
Đó là nhận định của ông Bùi Vĩnh Thắng, Quản lý phát triển kinh doanh, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream tại Hội nghị điện gió được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào sáng nay (7/6).
Theo đó, ông Thắng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện nhưng với giá than ngày càng tăng thì giá điện rẻ như hiện nay sẽ không còn trong dài hạn.
Do đó, ông Steve Sawyer, Tổng Thư ký Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) nhận định, hiện nay thị trường điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam tương đối phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ với nhiệt điện than.
Đồng tình với đó, ông Morten Dyrholm, Chủ tịch GWEC cho biết, hiện nay nhiệt điện than bị thay thế mọi nơi, đây là thời điểm Việt Nam có thể minh chứng và mở rộng phát triển điện gió hơn nữa.
“Cách đây 10 năm điện gió và điện mặt trời đắt đỏ hơn điện than rất nhiều nhưng tương lai ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam là điện gió và điện mặt trời đã đến rồi đây”, ông Dyrholm nói.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch GWEC, hiện nay, làm điện than khó khăn hơn rất nhiều khi các ngân hàng trên thế giới đồng loạt không cho vay vốn nữa nhưng điện gió và điện mặt trời thì ngày càng được ủng hộ vì bảo vệ môi trường và ngày càng rẻ.
Thêm nữa, ông Thắng cho biết, những dự án điện gió và điện mặt trời sẽ đắt nhưng chỉ đắt những dự án đầu thôi còn khi thị trường đã được hình thành thì chi phí giảm và giá điện chắc chắn sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, trong cơ chế hiện tại vẫn còn những hạn chế nhất định và hạn chế lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư điện gió và điện mặt trời vào Việt Nam là hợp đồng mua bán điện.
Bởi lẽ, theo ông Thắng, hợp đồng đó đặt rủi ro của nhà đầu tư rất cao nên rất khó để có thể huy động vốn. Do đó, con số nhà máy điện gió và điện mặt trời chưa nhiều và chưa phù hợp với tiềm năng của Việt Nam.
Cụ thể, trong hợp đồng này, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết điều khoản về hủy và chấm dứt hợp đồng khiến họ có nguy cơ phải chịu rủi ro cao.
Theo đó, đối với điện gió, 90% là chi phí đầu tư ban đầu. Ví như hợp đồng dự kiến là cung cấp điện trong 20 năm cho bên mua (tại Việt Nam chỉ duy nhất EVN có quyền mua điện) nhưng lại có điều khoản rằng EVN có thể và được phép hủy hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm đó và chỉ phải bồi thường 1 năm tiền điện trước đó.
“Như vậy có nghĩa là rất nhiều các nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư và mong là bán điện được trong 20 năm nhưng 5-7 năm sau bị EVN chấm dứt hợp đồng thì chúng tôi chỉ được bồi thường 1 năm tiền điện. Đó là rủi ro quá lớn bởi vốn đầu tư vào cũng rất lớn”, ông Thắng giải thích.
Bên cạnh đó, theo hợp đồng mua bán điện, tùy theo điều kiện khách quan hoặc chủ quan, EVN hoàn toàn có quyền tạm dừng phát điện của nhà máy trong một khoảng thời gian bất kì để bảo hành.
Ví dụ như lưới điện có vấn đề thì có thể dừng 1-2 tuần nhưng trong thời gian đó thì không phát được điện, nhà đầu tư không kiếm được tiền và EVN không phải bồi thường gì hết. Hiện tại điều khoản này khá sơ sài và mang tính rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư nên cần làm rõ điều khoản này hơn.
Do đó, tại Hội nghị, những nhà đầu tư muốn đầu tư điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam cho biết, họ mong những điều này sẽ được sửa đổi sớm và sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Việt Nam để đóng góp ý kiến và đưa ra một bản hợp đồng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Hồng Vân