Năm 2050, Việt Nam sẽ xuất khẩu thiết bị điện gió, điện mặt trời ra thế giới

(Dân trí) - Cùng với mục tiêu 33 năm nữa, 1/4 nhiên liệu giao thông tại Việt Nam sẽ có nguồn gốc từ sinh học, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, từ năm 2020 sẽ nội địa hoá 30% thiết bị ngành năng lượng tái tạo, năm 2030 tỷ lệ này lên 60% và năm 2050 sẽ xuất khẩu thiết bị năng lượng tái tạo mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Điện gió tại Bình Thuận Việt Nam
Điện gió tại Bình Thuận Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị phát triển thủy điện nhỏ và vừa, năng lượng tái tạo vừa diễn ra ngày 28/7, ông Phạm Trọng Thực, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có nhiều ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, sinh khối - nhiệt điện phát từ xử lý chất thải). Mục tiêu năm 2050 sẽ có 25% nhiên liệu phục vụ giao thông đi lại sẽ có nguồn gốc từ nhiên liệu sinh học (xăng sinh học)...

Mục tiêu gần, từ năm 2020, nhiên liệu sinh học sẽ đáp ứng 5% vào tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ cho lĩnh vực giao thông tại Việt Nam. Từ năm 2030, tỷ lệ này là 13% và trong năm 2050, nhiên liệu sinh học sẽ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nhiên liệu cho lĩnh vực giao thông của Việt Nam.

Theo Tổng cục Năng lượng, kịch bản Bộ Công Thương phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa tỷ lệ hộ gia đình sử dụng bếp năng lượng tái tạo (bếp điện, bếp khí sinh học...) đạt 30% số hộ, năm 2025 là 60% và năm 2030 sẽ là 100% số gia đình Việt Nam sẽ sử dụng thiết bị điện năng lượng tái tạo.

Cũng theo vị đại diện Bộ Công Thương, mục tiêu của Việt Nam về nội địa hóa các thiết bị năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) được đặt ra rõ ràng. Cụ thể, năm 2020, sẽ nội địa hóa được 30% thiết bị, năm 2030 là 60% thiết bị và năm 2050 sẽ xuất khẩu các thiết bị năng lượng tái tạo ra thế giới.

Thực tế, hiện các thiết bị cho ngành điện tái tạo tại Việt Nam như điện gió, năng lượng mặt trời và sinh khối vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ.

Theo nhiều DN trong ngành năng lượng, tỷ lệ DN thuần Việt tham gia vào cung ứng nguyên phụ liệu cho các dự án điện gió, điện mặt trời rất thấp. Yếu tố DN Việt Nam nếu có tham gia được vào chuỗi liên kết chủ yếu là DN có vốn đầu tư 100% nước ngoài tại Việt Nam, họ có bí mật công nghệ và chất lượng kỹ thuật tốt hơn.

Hiện, điện mặt trời Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các tấm pin từ Trung Quốc; trong khi đó các máy biến tần, máy móc khác nhập từ các đối tác EU với thuế nhập khẩu ưu đãi 0% nhờ chương trình ưu đãi của Chính phủ.

Gần đây, một số thiết bị điện tái tạo như tháp điện gió của DN nghiệp ngoại tại Việt Nam xuất đi Mỹ, Úc đã bị kiện chống bán phá giá. Còn các DN trong nước vẫn chưa thể làm chủ công nghệ điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để sản xuất trong nước.

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có năng lượng mặt trời, sức gió và sinh khối vẫn phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này đã được Chính phủ thông qua, trong đó hướng mạnh vào hỗ trợ giá mua điện tái tạo. Cụ thể, với điện mặt trời có giá 9,35 cent/kWh; điện gió là 7,8 cent/kWh (mức cao hơn và cạnh tranh hơn nhiều so với điện than, thủy điện) khi bán điện lên hệ thống).

Bên cạnh đó, cùng nhiều chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, nên từ năm 2016, năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại Việt Nam đã có nhiều dự án lớn.

Nhờ có chính sách ưu đãi nên thời gian gần đây có một số dự án năng lượng mặt trời, điện gió đầu tư vào Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến nay Việt Nam đã thu hút được 16 dự án đầu tư vốn nước ngoài vào năng lượng xanh, với số vốn gần 800 triệu USD. Năm 2016, hai công ty năng lượng Ireland và Mỹ đã bỏ số vốn hơn 2,2 tỷ USD để phát triển các dự án điện gió tại Sóc Trăng. Đây là dự án có quy mô và số vốn lớn nhất tại thời điểm hiện nay.

An Linh