Dân vẫn ra ngân hàng gửi USD dù lãi suất về 0%
(Dân trí) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động USD xuống 0% trong tháng 12/2015, song theo một con số thống kê mới đây cho thấy, huy động vốn đồng USD năm 2015 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với năm 2014 và tăng đột biến nhất là 4 tháng cuối năm 2015.
Cụ thể, theo số liệu từ ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy: Năm 2015, huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, trong đó VND tăng 16,3% (thấp hơn so với năm 2014 là 19,3%); huy động ngoại tệ tăng 14,3% (trong khi đó năm 2014 là 4,7%). Đặc biệt, lượng tiền gửi bằng ngoại tệ tăng đột biến trong 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 - 12/2015).
Khảo sát của phóng viên Dân trí trong sáng nay (16/3) cho thấy, lượng khách đến gửi USD vẫn đông hơn người bán dù lãi suất về 0%. Số lượng người bán USD chuyển sang tiết kiệm VND để hưởng chênh lệch lãi suất không nhiều.
Nhân viên một chi nhánh ngân hàng trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay, 2 tháng trở lại đây mặc dù lãi suất huy động USD hạ xuống 0% song vẫn có nhiều khách gửi tiết kiệm bằng USD. Số lượng khách bán USD chuyển sang gửi VND khá ít.
“Tuy nhiên, thay vì gửi các kỳ hạn dài như từ 6 – 12 tháng, người gửi USD tại ngân hàng chúng tôi đa phần chọn không kỳ hạn, lãi suất 0%. Điều này có lợi cho khách là khi cần có thể rút ngay, nhưng lại khiến ngân hàng khó quản lý và ảnh hưởng đến thanh khoản khi cần có khách vay nhưng không đủ đáp ứng”, chị nhân viên này cho hay.
Ông Hoàng Minh Phú, một khách gửi tiền USD cho rằng: “Mặc dù không có lãi suất song tôi vẫn chọn gửi USD vì cảm thấy an toàn và không chịu ảnh hưởng nhiều từ các điều hành chính sách của nhà nước. Đặc biệt bây giờ khi lãi suất không có nên tôi lựa chọn không kỳ hạn để lúc nào cần cũng có thể rút ra".
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, T.S Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài Chính - Ngân hàng cho hay: Lãi suất huy động bằng 0% mà người dân đi gửi USD nhiều hơn là đi vay USD, điều này cho thấy tình trạng găm giữ USD vẫn chưa thể giải quyết được.
Do đó, tình trạng Đô - la hóa nền kinh tế vẫn đang là gánh nặng, gây tổn thương cho nền kinh tế. Điều này cũng phản ánh được tâm lý lo ngại của người cầm tiền trước các diễn biến kinh tế thế giới và chính sách điều hành trong nước.
Ông Hiếu phân tích: "Lạm phát năm 2015 chỉ vài %, trong khi VND lại bị mất giá so với USD, đây là điều khiến người dân vẫn còn hoài nghi về sức khỏe của nền kinh tế trong thời gian tới, ít nhất là hết quý II/2016. Vì vậy, nhiều người có USD trong tay, có kiều hối gửi về đã sẵn sàng bỏ qua cơ hội mất lãi suất từ 5 - 8% khi đổi sang tiền VNĐ để vẫn giữ nguyên đồng USD để đề phòng nỗi lo tỷ giá sẽ được điều chỉnh thêm, gây bất lợi cho mình".
"Nếu có trong tay vài nghìn USD, việc chuyển sang tiền đồng hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác thì không nói. Nhưng nếu có trong tay từ 10.000 USD đến vài chục nghìn USD, người ta sẽ phải tính đến việc lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới thế nào, các tín hiệu điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lãi suất bình quân liên ngân hàng thế nào... để đưa ra việc cầm USD hay cầm VND”, ông Hiếu nói.
Nguyễn Tuyền