Chống lợi ích nhóm trong quy hoạch:
Đại biểu Quốc hội "đòi" truy cứu trách nhiệm với lãnh đạo về hưu
(Dân trí) - Phản ánh thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, làm thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị cần phải xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt quy hoạch, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý.
Điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích, bệnh tư duy nhiệm kỳ
Góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch diễn ra hôm nay (21/11), đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, để luật này sớm được thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế được các quy định nhằm khắc phục bằng được tình trạng quy hoạch cho có.
Theo đó, có quy hoạch nhưng không dùng được; làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích, bệnh tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch hoặc "tân quan, tân quy hoạch" ở nhiều địa phương... thông qua việc điều chỉnh quy hoạch thiếu căn cứ và những vấn đề chung.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho biết, bà rất đồng tình với việc Quốc hội thảo luận và ban hành Luật quy hoạch tại kỳ họp này, nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch không gắn với nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi liên kết dẫn đến chồng chéo như hiện nay.
Theo đó, từ năm 2011-2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập và phê duyệt. Năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch. Vị đại biểu đánh giá, đây là con số quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính của những hạn chế trên đó là việc nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng còn chưa thống nhất gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện, tính pháp lý, hiệu lực thi hành của quy hoạch chưa cao. Vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa quy hoạch và hệ thống văn bản pháp quy, chỉ đạo điều hành các cấp hành chính chưa rõ ràng.
Đồng ý về tính cần thiết của Luật Quy hoạch, tuy nhiên, đại biểu Hằng cũng góp ý, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch, Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại dự thảo luật "nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch".
Theo vị đại biểu, mặc dù ngân sách quốc gia có nhiều mục tiêu phát triển, tuy nhiên, hoạt động quy hoạch là hoạt động chung của quốc gia, địa phương. Ngân sách nhà nước cũng có thể đủ để chi trả cho hoạt động này. Vì vậy, Quốc hội nên cân nhắc việc khuyến khích để cá nhân, tổ chức tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch vì cho rằng, điều này liên quan đến việc bảo đảm tính minh bạch, khách quan cho hoạt động quy hoạch.
"Tôi e rằng sẽ có những tác động nhất định tạo lợi ích cho tổ chức, cá nhân tài trợ", vị đại biểu chia sẻ, đồng thời cho rằng, Luật có thể quy định một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định chi tiết hoặc phải thể chế hóa các quy định cụ thể để kiểm soát, quản lý chặt chẽ nội dung này.
Phải cấm quy hoạch lái theo lợi ích nhóm
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phản ánh, trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra tình trạng xây dựng, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, làm thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân.
"Ví dụ, có những con đường đang thẳng mà được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành cong và cong mềm mại thì thời gian qua đã xảy ra", ông Hạ nhận xét. Vì vậy, theo đại biểu, Luật quy hoạch cần tập trung vào việc ngăn cấm các hành vi:
Thứ nhất, đó là những hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi. Điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước, đây là tư duy nhiệm kỳ.
Hai là, khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý.
Vấn đề thứ ba, đó là về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Khoản 2, Điều 31 của dự án luật quy định thẩm quyền phê duyệt quy hoạch là Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Theo ông Hạ, quy định này chưa hợp lý và chưa đảm bảo tính tương thích giữa các luật trong hệ thống. Quy hoạch quốc gia cần phải do Quốc hội phê duyệt.
Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương.
Riêng đối với quy hoạch vùng, đại diện Ban soạn thảo cho hay, hiện nay chưa có các quy hoạch một cách chi tiết đối với các vùng. Đây là việc hết sức cần thiết trong thời gian tới để không bị chồng chéo và không bị mâu thuẫn giữa các địa phương trong một vùng, giữa các ngành trong một địa phương.
Theo Bộ trưởng Dũng, tâm lý của các địa phương hiện nay đó là, đối với các công trình, dự án thuộc hạ tầng kinh tế-xã hội thì địa phương nào cũng muốn đưa về mình, đặt ở mình, nhưng các công trình chung như nghĩa trang, hỏa táng, các cơ sở hỏa táng, xử lý các loại rác thải, các loại ô nhiễm môi trường thì các địa phương đều không muốn mang về mình.
Để quản lý được vấn đề này, đối với các quy hoạch đã được xác định thì bộ nào, ngành nào quản lý về ngành đó và lĩnh vực đó. Ví dụ về giao thông vùng thì Bộ Giao thông phải quản lý, vấn đề thủy lợi, cấp nước, thoát nước cho tưới tiêu thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải quản lý; về đầu tư thì phải giao về cho các bộ, các ngành để thực hiện.
Bích Diệp