Chậm thông quan, thương mại Việt Nam "mất không" 1,2 tỷ USD/năm
(Dân trí) - Theo đánh giá của nhóm tư vấn chính sách, cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, điều này tương đương với con số 3,2 triệu USD, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Chủ tịch, đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam.
Báo cáo này dựa trên cơ sở đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và Liên minh tạo thuận lợi hoá thương mại toàn cầu (GATF).
Tại báo cáo gửi lên Thủ tướng, Hội đồng tư vấn cải cách chính sách cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới thì Việt Nam xếp thứ 93 thế giới (tăng 15 bậc so với năm 2015), giảm thời gian thực hiện từ 138 giờ xuống còn 108 giờ.
Tuy nhiên, chỉ số này của Việt Nam chưa đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN 4, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giao dịch thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu thông quan, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành, gây cản trở cho sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh thương mại quốc tế.
Một thống kê được chỉ ra rằng, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hoá, trong khi quá trình thực hiện của cơ quan kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 70% tổng thời gian thông quan hàng hoá.
“Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 giảm thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu từ 108 giờ xuống 60 giờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu từ 138 giờ xuống 80 giờ. Đây là thách thức rất lớn và để đạt mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải cách, thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu”, văn bản nêu rõ.
Theo Hội đồng tư vấn chính sách, bảo lãnh thông quan là cơ chế tạo thuận lợi thương mại được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới trong các giao dịch thương mại qua biên giới.
Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, bắt đầu tư năm 1930 nước này đã áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan. Một số quốc gia khác như: Úc. Thuỵ Điển, Đan Mạch, Singapore, New Zealand, Malaysia, Philippines, Anh, Uganda, Thái Lan, Hàn Quốc… cũng đã sử dụng hệ thống bảo lãnh thông quan để tạo thuận lợi thương mại từ việc bảo đảm việc chi trả chi phí nhập khẩu và thuế cho đến các mục đích chuyên ngành khác.
Bản chất của mô hình này là tách biệt việc thông quan, giải phóng hàng hoá tại cửa khẩu và thực hiện các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, điều kiện thành hai luồng quy trình, hoạt động riêng thông qua việc thực hiện bảo lãnh thông quan.
Nói một cách khác, về bản chất giống như mua phí bảo hiểm để đảm bảo nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế khi nhập khẩu/xuất khẩu vào Việt Nam. Những vấn đề này được thực hiện trước khi hàng đến và giúp hàng hoá khi về sẽ được thông quan nhanh hơn.
Theo đánh giá của nhóm tư vấn, cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, điều này tương đương với con số 3,2 triệu USD, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm.
“Vì vậy, việc thực hiện một hệ thống bảo lãnh thông quan có thể khắc phục được việc chậm trễ trong giải phóng hàng hoá và giúp tiết kiệm được ít nhất 3,2 triệu USD mỗi ngày trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thu về thuế có thể gia tăng từ việc mở rộng hoạt động thương mại do giảm các rào cản, gánh nặng về chi phí…”, báo cáo do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phương Dung