1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cần 3,2 triệu tỉ đồng phát triển nguồn, lưới điện 15 năm tới

(Dân trí) - Tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng trên 3,2 triệu tỉ đồng (tương đương 148 tỉ USD). Trong khi cơ cấu đóng góp của thủy điện giảm thì cơ cấu nhiệt điện và năng lượng tái tạo tăng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030.

Theo đó, tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng trên 3,2 triệu tỉ đồng (tương đương 148 tỉ USD).

Với quy hoạch này, Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…và từng bước gia tăng tỷ trọng các nguồn này trong cơ cấu nguồn điện.

Nhiệt điện trong tương lai vẫn chiếm hơn nửa nguồn điện sản xuất của Việt Nam
Nhiệt điện trong tương lai vẫn chiếm hơn nửa nguồn điện sản xuất của Việt Nam

Cụ thể, ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, tổng công suất dự kiến tăng từ gần 17.000 MW hiện nay lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020, khoảng 24.600 MW vào năm 2025 và khoảng 27.800 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 29,5% vào năm 2020, khoảng 20,5% vào năm 2025 và khoảng 15,5% vào năm 2030.

Trong khi đó, tổng công suất nguồn điện gió được đưa từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Quy hoạch cũng đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Qua đó, đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.

Về nhiệt điện, nguồn này được phát triển với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu. Trong đó, khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc.

Dự kiến, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỉ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than. Năm 2025, tổng công suất khoảng 45.800 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.

Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm Điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An... sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Quy hoạch cũng lưu ý đến việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt. Cụ thể, đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành năm 2028; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW, sản xuất khoảng 32,5 tỉ kWh chiếm 5,7% sản lượng điện sản xuất.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cố gắng khắc phục được tình trạng quá tải, nghẽn mạch. Trong đó lưu ý nghiên cứu xây dựng các trạm ngầm, trạm biến áp không người trực tại các trung tâm phụ tải, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh trong truyền tải điện.

Bích Diệp

Cần 3,2 triệu tỉ đồng phát triển nguồn, lưới điện 15 năm tới - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm