Các siêu dự án thua lỗ ngàn tỷ: "Nếu không bán được thì sẽ phải cho phá sản"
(Dân trí) - Liên quan đến những dự án không hiệu quả như Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ..., đại diện Bộ Tài chính cho biết, do các dự án này thua lỗ và không đạt hiệu quả trong một thời gian dài, cho nên quan điểm là Nhà nước sẽ không giữ lại bởi nếu tiếp tục đầu tư sẽ rất rủi ro và lãng phí.
Trao đổi với báo chí ngày 8/6 về công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ, tiến độ thoái vốn ngoài ngành cho đến nay vẫn chậm trễ một phần là do những gì "ngon" đã bán, giờ chỉ còn lại những khoản đầu tư mang tính chất cắt lỗ.
Theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2015, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN tại 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mới chỉ đạt 40% so với yêu cầu.
"Cắt lỗ là phần khó nhất", ông Tiến nhận định. Theo đó, cổ phần tại những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư và khó bán, tiến độ thoái vốn không thể nhanh như việc bán cổ phần tại những doanh nghiệp hiệu quả khác.
Bên cạnh đó, với những khoản đầu tư sai luật, có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, chính vì vậy, nhà đầu tư cũng phải chờ đợi kết quả điều tra và dẫn đến chậm trễ. Những khoản đầu tư này chủ yếu diễn ra trước năm 2011.
Liên quan đến những dự án không hiệu quả như Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ..., đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực chất đây là dự án của các công ty con trực thuộc công ty mẹ có vốn Nhà nước. Mặc dù, Nhà nước không trực tiếp đầu tư nhưng có liên quan đến lợi ích Nhà nước. Do các dự án này thua lỗ và không đạt hiệu quả trong một thời gian dài, cho nên quan điểm là Nhà nước sẽ không giữ lại bởi nếu tiếp tục đầu tư sẽ rất rủi ro và lãng phí.
Chẳng hạn tại dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng, nếu chỉ bán dự án này sẽ không thể có người mua nên phải bán cả phần vốn nhà nước tại công ty. Hay như dự án Xơ sợi Đình Vũ, trong trường hợp xấu nhất nếu không bán được thì sẽ phải cho phá sản.
Về xử lý trách nhiệm, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, nếu lãnh đạo tại những DNNN này đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật mà vẫn để xảy ra thua lỗ thì sẽ không truy cứu, thua lỗ vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp lãnh đạo làm sai thì phải xử lý trách nhiệm đầy đủ.
"Pháp luật rất khách quan và khắc nghiệt. Trong quản lý kinh tế, nếu ban đầu đã có cảnh báo rủi ro mà vẫn quyết đầu tư dẫn tới thua lỗ thì người quyết định phải chịu trách nhiệm", ông Tiến nhấn mạnh.
Nói về quá trình cổ phần hóa DNNN, đại diện Bộ Tài chính nhận xét, hiện tại một số bộ vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối doanh nghiệp. Chẳng hạn như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Theo ông Tiến, việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm "mất cơ hội" cổ phần hóa.
Ông Tiến cũng cho rằng, với từng phương án nếu không tính đến hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp thì dẫn tới phương án cổ phần hóa không hiệu quả và sau cổ phần hóa không thay đổi gì. Điều quan trọng là chất lượng phương án cổ phần hóa. Bởi vậy, nếu phương án cổ phần hóa được các nhà đầu tư quan tâm thì các bộ "nên có thay đổi" và Chính phủ cũng đồng ý cho phép các bộ đề xuất điều chỉnh lại lộ trình cổ phần hóa ở những DNNN do bộ làm chủ quản.
Với những doanh nghiệp thực hiện bán vốn không thành công, ông Tiến cho rằng cần xem lại khâu tư vấn. Theo đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa cần thực sự có thái độ cầu thị, xem lại cách bán và chọn được tư vấn tốt, từ đó sẽ có được phương án phù hợp. Làm thế nào để doanh nghiệp đó, tối đa đến lần thứ hai phải thực hiện bán vốn thành công.
"Nếu sau hai lần bán vốn mà vẫn thất bại thì hình ảnh doanh nghiệp sẽ bị méo mó, rất khó để tiếp tục cổ phần hóa", đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận.
Bích Diệp