1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ Công Thương đề xuất tăng ưu đãi cho nhiều "ông lớn" trong ngành

(Dân trí) - Ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho ngành dầu khí, ngành than, phân bón..., Bộ Công Thương cũng đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; Hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may...


Kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục tăng.

Kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục tăng.

Sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương diễn ra sáng nay (6/1), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, thương mại toàn cầu năm 2017 được dự báo sẽ cải thiện so với năm 2017, ở mức 3,8%, giá cả năng lượng và hàng hóa sẽ tăng trở lại và ổn định hơn. Do đó, sẽ có tác động tích cực đối với công nghiệp và thương mại Việt Nam.

Các nền kinh tế lớn được dự báo vẫn tiếp tục duy trì chính sách tài chính linh hoạt thông qua giảm thuế và tăng chi cho an sinh xã hội để kích thích tiêu dùng nội địa, do vậy có khả năng sẽ tác động gia tăng nhu cầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, sự xung đột về địa kinh tế, địa chính trị giữa các quốc gia lớn như Nga, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc... tiếp tục góp phần gây ra sự trì trệ trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế và các quốc gia bé hơn và do đó, gián tiếp ảnh hưởng đến đầu tư FDI, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt nam.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số FTA đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Việc tham gia cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các Hiệp định FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Đồng thời, sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển công nghiệp

Báo cáo về tình hình sản xuất của các ngành công nghiệp năm 2016 của Bộ Công Thương cho thấy, ngành điện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2015, giá điện được giữ ở mức ổn định. Ngành than sản xuất tiếp tục khó khăn do giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, các loại thuế, phí liên quan tới ngành tăng.

Ngành dầu khí tiếp tục gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2016 đạt kế hoạch đề ra, tương đương 16,66 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng khai thác dầu trong và ngoài nước đạt 17,23 triệu tấn, vượt 1,19 triệu tấn so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây là mức thấp nhất của ngành dầu khí so với nhiều năm trở lại đây.

Ngành thép là một trong những ngành hiếm hoi tăng trưởng cao trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa và tiếp tục là ngành nhập siêu lớn. Trong khi đó, sản xuất trong nhóm ngành cơ khí, đặc biệt là ngành sản xuất máy công cụ và máy nông nghiệp, tăng trưởng thấp do tiêu thụ giảm, cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.

Trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ đưa ra 4 mục tiêu của ngành Công Thương góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 tăng 6,7%. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8 - 9%, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao là 6 - 7%, nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Qui hoạch điện VII điều chỉnh; Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định tăng vốn điều lệ của EVN.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ (GGU) đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (hỗ trợ PVN thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại).

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho ngành dầu khí, ngành than, phân bón... Trong đó, đề xuất tiếp tục hỗ trợ đàm phán bảo lãnh Chính phủ với các nhà thầu nước ngoài trong dự án khí Lô B; rà soát các mức thuế, phí hiện đang áp dụng đối với ngành than; xem xét, điều chỉnh Nghị định số 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; Hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may...

Phương Dung