Đồng Nai:

Bất động sản Nhơn Trạch “nở hoa”, dân đổ xô đi làm “cò” đất

(Dân trí) - Đi cùng với việc các dự án lớn “đổ bộ” xuống Nhơn Trạch, Đồng Nai, thời gian gần đây đã xuất hiện một số lượng lớn “cò” đất kể cả chuyên và không chuyên đang hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, khuấy động một đô thị từng được liệt vào diện "thành phố chết".

Sôi động nhờ hạ tầng

Sau khi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội chính thức thông qua, thị trường bất động sản Đồng Nai bất ngờ "thức giấc". Tiếp đó, khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây cầu Cát Lái (kết nối quận 2, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) thì thành phố mới Nhơn Trạch đang trở thành tâm điểm của cơn sốt địa ốc khi giá đất đột ngột tăng vọt.

Thời gian gần đây, hàng loạt dự án “có tầm” đã ồ ạt “đổ bộ” xuống miền đất Nhơn Trạch. Điển hình như dự án Khu đô thị Aqua City (khoảng 305 ha), dự án Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, Khu đô thị mới Đông Sài Gòn, Khu đô thị mới Phước An, Khu đô thị mới Nhơn Trạch, Khu dân cư xã Vĩnh Thanh, dự án Sunflower City, dự án khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội (huyện Nhơn Trạch)….

Song song với việc những dự án lớn chọn Nhơn Trạch làm “bến đỗ”, một số chủ đầu tư cũng như nhiều người dân nhốn nháo tìm đến thị trường này để mua đất. Nhờ đòn bẩy hạ tầng, giá đất tại địa điểm này bất ngờ tăng vọt trong 2 tháng qua.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, những ngày qua, giá đất tăng đồng loạt tại nhiều xã ở huyện Nhơn Trạch. Trong đó, sau Đại Phước và Phú Hữu thì xã Phú Đông được cho là nơi xảy ra việc “sốt” giá đất mạnh nhất. Giá đất nền có mặt tiền tiếp giáp với những trục đường chính của xã này đã tăng từ 4 triệu đồng/m2 lên ngưỡng 5,5 – 6 triệu đồng/m2. Không chỉ vậy, đất nền giáp các con hẻm tại xã này cũng tăng từ 2,2 triệu đồng/m2 lên mức 2,5 – 3 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, giá đất tại xã Long Thọ cũng đạt mức tăng 1 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng 60 ngày qua. Còn tại một số trục đường chính ở xã Long Tân, giá đất cũng tăng lên và dao động trong mức từ 3 – 8 triệu đồng/m2. Ngoài ra, tại xã Phú Hội và xã Hiệp Phước, nhiều người dân cũng đang khẩn trương phân lô, “sửa soạn" để bán đất.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều xã có mức tăng giá đáng kể thì việc buôn bán đất lại diễn ra tương đối chậm ở xã Phú Thạnh.

Đất tại đường Trần Văn Trà (xã Phú Đông) sau khi được phân lô, đã và đang được bán với giá 5 – 6 triệu đồng/m2
Đất tại đường Trần Văn Trà (xã Phú Đông) sau khi được phân lô, đã và đang được bán với giá 5 – 6 triệu đồng/m2

Đổ xô đi làm “cò”

Ghi nhận của Dân trí cho thấy, sau khi Nhơn Trạch xảy ra tình trạng “sốt” giá đất, nhiều người dân tại huyện này đã đổ xô đi làm “cò” môi giới đất. Thậm chí một số người còn bỏ cả công việc thường nhật của mình để đi làm... "cò".

Tại xã Long Tân, nhiều người đã cất chòi tạm ngay trên các lô đất và dựng bảng hiệu “Nhà đất” đồng thời để lại số điện thoại của mình trên bảng để khách hàng khi đến đây có thể dễ dàng liên hệ. Nhiều “ông mai bà mối” đã ngày đêm tề tựu tại đây vừa để bàn bạc chiến lược “câu khách” vừa... nín thở chờ thời "đổi vận".

Đáng chú ý, tại đường Trần Văn Trà, đoạn qua ấp Bến Đình, xã Phú Đông, cứ cách khoảng 200m lại có một điểm dựng bảng hiệu “Nhà đất”. Nhiều người dân cho biết, phần lớn đây là những “cò” mới nổi chứ không phải là “dân” chuyên nghiệp. Theo đó, những "nhà môi giới" này có thể là thợ hồ, cũng có thể là chủ quán cà phê hoặc chủ tiệm tạp hóa.

Ngoài ra, trên đường ĐT769, đoạn qua xã Đại Phước, số lượng “cò” đất cũng đông không kém. Trên đoạn đường này, chúng tôi đếm có khoảng 10 điểm dựng bảng hiệu “Nhà đất”, “Mua đất – Hỏi tại đây”… Đó là chưa kể những chỗ mặc dù không dựng bảng quảng cáo nhưng khi có người đến hỏi, họ vẫn sẵn sàng tư vấn địa điểm và giá đất một cách rạch ròi.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Sáu (ngụ tại xã Phú Đông) cho biết, hai tháng gần đây, có rất nhiều người đến hỏi mua đất tại huyện Nhơn Trạch. Do giá đất ở đây đang tăng cao nên nhiều người nhận thấy việc làm “cò” đất vừa khỏe vừa có thu nhập cao nếu may mắn nên rất nhiều người đã bỏ công việc chính của mình để đi làm “cò”.

"Một số người chuyên nghiệp, làm nghề này lâu năm thì không nói, nhưng có những người chưa bao giờ làm nghề này, không hiểu biết mấy về giá cả thị trường vẫn rủ nhau đi làm cò. Giờ ở đây mà chú hỏi chỗ nào bán đất, giá khoảng bao nhiêu thì hầu như ai cũng biết và chỉ dẫn được chứ không cần gì phải gặp “cò chính hiệu”, bà Sáu nói.

Tuy nhiên, để tránh việc bị “cò” lừa gạt, người mua cũng nên có những biện pháp đề phòng và vạch ra cho mình những hướng đi hợp lí nhất, nhằm tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.

Công Quang