"Bà hoả" hỏi thăm chung cư: Người Việt mau quên, đâu lại vào đó?

(Dân trí) - "Tôi nghĩ một trong tâm lý của người Việt, đó là tâm lý đám đông, khi có vấn đề đặt ra thì hùa vào, xong rồi quên. Tuy nhiên, dư luận, trong đó có các cư dân chung cư thì vẫn rất chủ quan với bản chất của các vụ hỏa hoạn", chuyên gia nhìn nhận.

Hàng trăm chiếc xe bị thiêu rụi trong vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TPHCM vừa qua.
Hàng trăm chiếc xe bị thiêu rụi trong vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TPHCM vừa qua.

Tại một toạ đàm trực tuyến về công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam thực hiện một độc giả đặt vấn đề: "Các vụ cháy tại chung cư đã xảy ra nhiều lần, và sau mỗi lần thì các đơn vị liên quan đều vào cuộc giải quyết, điều tra... tưởng chừng rất quyết liệt, dư luận cũng “dậy sóng” hoang mang lo lắng. Thế nhưng, người Việt chắc là mau quên, sau một thời gian mọi chuyện lại đâu vào đó, các vụ cháy vẫn cứ diễn ra".

Trả lời câu hỏi bản chất của câu chuyện này là do đâu, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bảo hiểm Quân đội MIC cho rằng, bản chất là liên quan đến hướng dẫn trong công tác phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư và ý thức của người dân.

"Cách đào tạo về phòng cháy chữa cháy quan trọng. Bên cạnh đó, hiện nay, có một thực trạng là, các công cụ thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư chỉ mang tính hình thức là chính, khi xảy ra hỏa hoạn tại các công trình này sẽ là quá muộn", bà Yến nói.

Đại tá, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy thì cho rằng, khi có sự việc xảy ra thì tác động lên tâm lý của cư dân và dư luận rất nhiều. Ví dụ, sau vụ cháy quán Karaoke ở Trần Thái Tông Hà Nội thì rộ lên các thông tin và và tâm lý lo lắng, chính quyền vào cuộc rất ghê gớm, nhưng sau đó lại lãng quên, và sau 1 năm mới đưa ra xử, có 3 người bị xử lý hình sự.

"Tôi nghĩ một trong tâm lý của người Việt, đó là tâm lý đám đông, khi có vấn đề đặt ra thì hùa vào, xong rồi quên. Tuy nhiên, dư luận, trong đó có các cư dân chung cư thì vẫn rất chủ quan với bản chất của các vụ hỏa hoạn", ông Xiêm nhìn nhận.

Theo vị chuyên gia: "Ai cũng nghĩ, chắc nhà mình bê tông, bao năm ở có sao đâu, và từ đó ý thức tự giác chấp hành các quy định phòng cháy chữa cháy bị sao lãng, và khi xảy ra nhỏ thì không sao, khi xảy ra lớn thì lại rộ lên tâm lý hoang mang. Không hẳn là "mất bò mới lo làm chuồng", cái chính là ý thức tự đảm bảo an toàn cho mình chưa cao, ỷ lại vào chỗ này chỗ kia. Phải hiểu rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ hỗ trợ thôi, người thực hiện vẫn là người dân".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH cũng nhìn nhận, nguyên nhân xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân cũng như trong cuộc sống mọi người quá bận rộn nên chưa quan tâm nhiều tới công tác PCCC. Ngoài ra, công tác truyền thông tại các tòa nhà chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua, dẫn tới tình trạng người dân không có thông tin về hệ thống phòng cháy chữa cháy và các thông tin cảnh báo.

Ở một góc độ khác, theo ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận hành Kĩ thuật Tòa nhà, CBRE Hà Nội, ở đây có cả trách nhiệm từ ý thức người dân, ban quản lý toà nhà, chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

"Duy trì công tác phòng cháy chữa cháy là “chuồng của con bò” chứ không phải là đợi đến lúc mất bò mới lo làm chuồng. Tuy nhiên hiệu quả của “cái chuồng” đó vẫn không cao, là do trong quá trình thực hiện có vấn đề của các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành, chủ đầu tư và người dân", ông Trung nói.

Theo ông Trung, tiêu chí của đơn vị quản lý chính là con người, ý thức được vai trò của họ trong Ban Quản lý là bảo vệ an ninh, an toàn cho cư dân trong tòa nhà, tăng cường được tiện ích cho người dân. Từ đó sẽ nhìn được những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, gây ảnh hưởng không chỉ bản thân họ mà cộng đồng dân cư sống ở đó.

"Trình độ hiểu biết của nhân viên quản lý tòa nhà, hiểu biết về hệ thống thiết kế, nội quy quy định của tòa nhà, và quan trọng phải hiểu sâu được những quy định đó. Khi hiểu được rồi, trong hành động của họ sẽ đảm bảo chuẩn chỉnh hơn, ngăn ngừa được rủi ro có thể xảy ra trong tòa nhà", ông nói thêm.

Phương Dung

"Bà hoả" hỏi thăm chung cư: Người Việt mau quên, đâu lại vào đó? - 2