5 vạn doanh nghiệp “hấp hối”, “khai tử”, Chính phủ yêu cầu giảm mạnh chi phí
(Dân trí) - Trong 7 tháng đầu năm, trong khi có 90.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì đồng thời số hoàn thành giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng lên tới gần 5 vạn doanh nghiệp. Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải giảm mạnh hơn nữa cả về chi phí chính thức và không chính thức để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thông tin với báo chí về phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ diễn ra hôm nay (3/8), ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong khuôn khổ cuộc họp này, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tập trung bàn về các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tại phiên họp chiều, Chính phủ đi sâu vào nội dung giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức như giảm phí BOT, giảm phí hạ tầng đường bộ, giảm chi phí kiểm lô hàng thông quan, phí logistic…
Người phát ngôn Chính phủ cho hay, cho đến nay chi phí trong quá trình thông quan tại các cơ quan cửa khẩu vẫn còn vướng rất lớn về thủ tục. Có bộ tới 1.200 giấy phép như Bộ Công Thương, bộ ít nhất là Bộ Xây dựng còn 102 giấy phép.
Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã được giao rà soát lại, đặc biệt là những thủ tục về thuế (kê khai, nộp thuế). Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và giảm bớt các giấy phép liên quan đến đầu tư, thành lập doanh nghiệp...
Liên quan đến các loại chi phí không chính thức, lãnh đạo Chính phủ thống nhất nhận định, cần nhiều biện pháp để khắc phục, nhất là phải công khai minh bạch bằng công nghệ thông tin, kiểm tra thanh tra trách nhiệm người đứng đầu.
Với tiếp cận dịch vụ công, theo đánh giá của Chính phủ, chi phí này có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và phải giảm nhiều nữa mới đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
“Trách nhiệm thuộc về Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ và Hội đồng nhân dân các cấp. Phải quyết liệt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng truyền đạt thông điệp của Thủ tướng.
Vấn đề này được Chính phủ đặt ra trong bối cảnh 7 tháng đầu năm, tình hình phát triển, hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, từ khâu gia nhập thị trường cho đến tiếp cận nguồn tín dụng, các chính sách ưu đãi…
Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, trong tháng 7/2017, cả nước có 11.677 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 94.500 tỷ đồng, tăng 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 14,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 21,3%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới là 93.500 người, giảm 11,5%.
Bên cạnh đó, có 2.123 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với tháng trước. Nhưng ngược lại, còn tới 5.697 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 1.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 53,7%).
Tính chung 7 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt hơn 90.500 doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng là 720.800 người, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng thống kê được lên tới 6.608 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng là 43.274 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể trong 7 tháng xấp xỉ 50.000 doanh nghiệp.
Bích Diệp