1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

5 năm qua, lợi nhuận doanh nghiệp giảm chỉ còn 1/3

(Dân trí) - Tổng vốn đầu tư, lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp (DN) đang giảm đi rõ rệt trong vòng 5 năm qua so với 10 năm trước đó.

Đây là những đánh giá sơ bộ được Tổng cục Thống kê, Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố sáng nay (11/4).

Cụ thể, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn của Bộ KH&ĐT, tổng mức lợi nhuận trước thuế khu vực DN năm 2015 là 552,7 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000 - 2015, mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực DN tăng 19%, thấp hơn so với mức tăng của vốn 22,8% và doanh thu 21,6%.

Điều đó dẫn đến lợi nhuận của DN trong giai đoạn 2010 - 2015 tăng 7,5%, chỉ bằng 1/3 giai đoạn 2000 - 2010. Đà suy giảm lợi nhuận của các DN nói chung đang giảm rất mạnh.

Đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách đang giảm mạnh trong 15 năm gần đây
Đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách đang giảm mạnh trong 15 năm gần đây

Đáng nói, đóng góp của ngân sách Nhà nước của khu vực DN năm 2015 là 646,4 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 - 2015 mỗi năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 18,2%, thấp hơn mức tăng vốn, doanh thu và lợi nhuận.

Mức tăng đóng góp ngân sách của DN năm 2010 - 2015 là 11,6%, thấp hơn giai đoạn 2000 - 2010 là khoảng 21,1%.

Về số lao động, báo cáo đưa ra bức tranh sụt giảm về thu hút lao động vào ngành kinh tế khi bình quân giai đoạn 2000 - 2015 mỗi năm khu vực DN thu hút lượng lao động tăng thêm hơn 9,4%. Trong đó, giai đoạn 2000 - 2010, tăng cao nhất là 11,2%, nhưng giai đoạn 2010 - 2015 tăng chậm, chỉ đạt 6,1%, dưới mức trung bình cả 15 năm trở về trước.

Việc suy giảm sức khỏe DN cũng được minh chứng là vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2000 - 2015 giảm dần. Cụ thể, tổng vốn thu hút vào khu vực DN cả nước tại thời điểm hết năm 2015 là 23.656,7 nghìn tỷ đồng, bình quân 15 năm, mỗi năm DN tăng thêm 22,8% vốn để sản xuất, kinh doanh. Riêng giai đoạn 2000 - 2010, mỗi năm DN tăng thêm 25%, nhưng giai đoạn 2010 - 2015 chỉ tăng được 14%.

Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng: Lợi nhuận DN thấp đi là do những năm qua các doanh nghiệp chủ yếu tăng trưởng về vốn, sản xuất gia công, nhập khẩu nhiều nên lợi nhuận mỏng.

Hiện, chúng ta đang có tình trạng DN và nền kinh tế phát triển, tăng mạnh vốn, lao động, doanh thu nhưng hiệu quả thấp hơn so với nhiều nước như Thái lan, Indonesia. Nền kinh tế phát triển nhanh nhưng hiệu quả không cao. DN chủ yếu vừa và nhỏ, trên 97% nhỏ và vừa, trong đó gần 60% DN có số lượng lao động dưới 10 người, quy mô nhỏ, vốn lạc hậu nên hiệu quả kinh doanh chưa cao từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trên thực tế, tổng đầu tư toàn xã hội hiện đã trên 30% GDP, nhưng tăng trưởng quý I thấp và nhiều khó khăn phía trước. Để duy trì tốc độ tăng trưởng, Chính phủ có kêu gọi tăng tổng đầu tư.

Vấn đề hiện nay là vốn đầu tư công, ngân sách đang hạn chế, chỉ còn trông chờ vào tư nhân và khu vực FDI tăng vốn. Tuy nhiên, trong quý I/2017, thu nội địa/tổng thu ngân sách tăng mạnh lên 13,3%, nhiều khoản phí, thuế như (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường xăng dầu, lãi suất, tỷ giá...) đã và đang tạo gánh nặng cho DN, khiến chúng ta khó huy động vốn trong DN, cũng như sự sợ hãi của DN khi đi vay vốn, tiếp tục mở rộng sản xuất.

Nguyễn Tuyền