1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Việt Nam và Nhật Bản ký ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý

(Dân trí) - Chiều 2/6, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) – Bộ KH&CN và Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB) thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã kí kết Bản ghi nhớ hợp tác về Chỉ dẫn địa lý.

Việc kí kết biên bản ghi nhớ là thiết lập khuôn khổ hợp tác giữa NOIP và FIAB trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý, nhằm tạo thuận lợi cho việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại mỗi nước.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Tính đến ngày 31/5/2017, Việt Nam đã bảo hộ cho 55 chỉ dẫn địa lý (CDĐL), trong đó có 49 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có CDĐL nào được bảo hộ tại Nhật Bản, cũng như chưa có CDĐL nào của Nhật Bản được bảo hộ tại Việt Nam.


Việt Nam và Nhật Bản ký ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý.

Việt Nam và Nhật Bản ký ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý.

Trong số 49 CDĐL được bảo hộ, có 22 CDĐL là sản phẩm quả. Trong số những sản phẩm quả đã được bảo hộ CDĐL có rất nhiều sản phẩm tiềm năng, đã và đang xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản như xoài Cát Hòa Lộc, Thanh Long, Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn, vải thiều,…

Hiện nay, Nhật Bản là thị trường có nhiều tiềm năng đối với nông sản của Việt Nam bởi chúng ta có 3 yếu tố hội tụ gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật được triển khai đồng bộ từ năm 2010 đến nay trong đó điểm quan trọng của Hiệp định này là giảm thuế mạnh mẽ các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Nhật Bản; sự ưa chuộng nông sản nhiệt đới của thị trường Nhật; nhu cầu nhập khẩu nông sản của Nhật gia tăng do tỷ lệ nông nghiệp ngày càng nhỏ đi trong cơ cấu GDP của Nhật sẽ góp phần để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Nhật, trong đó có nông sản.

Với những cơ hội như vậy, việc hợp tác với Nhật Bản trong việc thúc đẩy bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng: Thúc đẩy bảo hộ CDĐL đối với các sản phẩm đặc sản, những sản phẩm tiềm năng xuất khẩu sang Nhật của Việt Nam như hoa quả, thủy sản, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng thương hiệu, kênh phân phối vào thị trường Nhật Bản.

Ông Koji Inoue - Cục trưởng, Cục công nghệ thực phẩm – Bộ nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản cho biết: Chúng tôi mong muốn sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản đến được với người tiêu dùng Việt Nam và ngược lại giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các khu vực địa lý được phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền của mỗi bên, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý thông qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mỗi bên tại bên kia cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm chỉ dẫn địa lý tại mỗi bên chống lại các hành vi lạm dụng, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

"Sự trao đổi và thúc đẩy về mặt kinh nghiệm, xây dựng thể chế sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn kĩ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến CDĐL tạo sự thuận lợi để tiếp cận vào thị trường khó tính như Nhật Bản", Ông Koji Inoue nhấn mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng này, từ tháng 5/2016 đến nay, Văn phòng Công nghiệp thực phẩm cùng với Đại sứ quán Nhạt Bản đã trao đổi với Cục Sở hữu trí tuệ về việc xây dựng bản ghi nhớ về CDĐL, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như:

Thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại hai nước phù hợp với luật và các quy định pháp luật tương ứng. NOIP và FIAB sẽ đẩy mạnh phối hợp trong các lĩnh vực sau: triển khai một dự án thử nghiệm nhằm lựa chọn một số sản phẩm chỉ dẫn địa lý của mỗi nước để tiến hành đăng ký bảo hộ theo dự án và tham vấn lẫn nhau để hoàn thiện đơn cho những chỉ dẫn này; Cung cấp thông tin về kết quả thẩm định đơn CDĐL; Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về các CDĐL được bảo hộ tại mỗi nước; Trao đổi các đoàn cán bộ phụ trách quản lý CDĐL giữa hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó hai bên sẽ trao đổi thông tin liên quan đến các chính sách về CDĐL: NOIP và FIAB sẽ trao đổi những thông tin về hệ thống CDĐL tại hai nước và việc vận hành hệ thống này gồm luật và các quy định pháp luật tương ứng; Quy chế hoặc hướng dẫn cho các cơ quan chức năng hoặc công chúng; Danh mục CDĐL được bảo hộ tại hai nước, bao gồm các CDĐL được mỗi nước bảo hộ theo các hiệp định quốc tế đã kết thúc đàm phán cũng như các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, hai nước sẽ tăng cường nâng cao nhận thức của công chúng về chỉ dẫn địa lý: NOIP và FIAB sẽ hợp tác để triển khai các chương trình nhằm tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng về chỉ dẫn địa lý, như tổ chức các triển lãm, trưng bày chung về chỉ dẫn địa lý để thúc đẩy các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của mỗi nước.

Mai Hà