Trồng cỏ bồ công anh để sản xuất cao su
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Ohio đã phát triển được giống cỏ bồ công anh chứa cao su tự nhiên ở trong rễ. Đây là loại cỏ dại tràn ngập các vùng ngoại ô, có thể trở thành cây cao su thế hệ mới. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách cải tiến giống cỏ này để nó có thể sinh trưởng nhanh và hiệu quả đến mức trở một nguồn cao su bền vững.
Chỉ có khoảng 10 - 15% rễ của cỏ bồ công anh là cao su. Do đó, hiệu quả sản xuất cao su của cỏ thấp hơn nhiều so với cây cao su được trồng tại các đồn điền ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các cây cao su ở Thái Lan, Indonexia và Malaixia phải mất nhiều năm để sinh trưởng, do đó, nông dân khó thích ứng với sự bấp bênh của thị trường và đáp ứng nhu cầu cao su đang gia tăng. Hơn nữa, canh tác cây cao su không phải là ngành công nghiệp thân thiện nhất với sinh thái, vì được cho là gây ra tình trạng phá rừng ở một số vùng có đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.
Cỏ bồ công anh có thể được trồng trong nhiều môi trường khác nhau, cho phép sản xuất cao su ở gần nơi có nhu cầu về nguồn nguyên liệu này. Như vậy sẽ cắt giảm chi phí vận chuyển gây tốn kém năng lượng. Các công ty lốp và các doanh nghiệp khác rất quan tâm đến nguồn cao su giá rẻ và bền vững hơn.
Nhóm nghiên cứu hiện vẫn đang cải tiến giống cỏ bồ công anh được gọi là Buckeye Gold, để tăng hiệu quả kinh tế của nó. Cụ thể, các nhà khoa học đang cố gắng làm cho cỏ ít bị nhiễm bệnh và tăng khả năng chống chịu thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu cho cỏ. Ngoài ra, quy trình chiết tách cao su từ rễ sợi của bồ công anh cũng đang được cải tiến.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu không khuyến khích được nông dân trồng cỏ. Người nông dân sẽ chỉ trồng cỏ bồ công anh, trừ phi họ tin rằng nó có thể mang lại lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là cần phải tìm thị trường thứ cấp cho các bộ phận của cỏ không chứa cao su.
N.P.D-NASATI (Theo Upi)