Trình độ khoa học và công nghệ quốc gia còn tụt hậu xa so với thế giới

(Dân trí) - Khoa học và Công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển KT–XH, cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế; Trình độ khoa học và công nghệ quốc gia nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á…

Đó là một trong những nội dung báo cáo của Đoàn giám sát - Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”

Hành lang pháp lý về KH&CN đã cơ bản được hoàn thiện

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong những năm qua, hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ (KH&CN) đã cơ bản được hoàn thiện. Các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN đều cơ bản đã được điều chỉnh bằng luật. Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã được các cấp, các ngành ban hành tương đối đầy đủ. Các văn bản này đã từng bước khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện bình đẳng, rộng mở cho mọi thành phần phát huy sáng tạo và tham gia đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN.


Trình độ KH&CN quốc gia nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á

Trình độ KH&CN quốc gia nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu trong những ngành, lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, Bảo vệ môi trường.

Nguồn nhân lực KH&CN tăng nhanh về số lượng. Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu KH&CN được đầu tư nâng cấp và đầu tư mới, hiện đại hóa thông qua các chương trình đầu tư của Nhà nước. Việc hình thành một số trường Đại học, Viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến, hiện đại sẽ góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN của nước ta trong thời gian tới.

Một số thành tựu về nghiên cứu cơ bản của các nhà khoa học về toán, hóa học, vật lý tiếp tục được thế giới đánh giá cao. Các kết quả nghiên cứu khoa học trong những năm qua đã làm gia tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực KT–XH, nâng cao năng suất chất lượng các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thiết kế chế tạo dàn khoan dầu khí, đóng tàu quân sự, thương mại hóa vi mạch điện tử, sản xuất vắc xin.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Đã dành đầu tư thích đáng cho KH&CN từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) trong điều kiện còn khó khăn hiện nay; đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư cho phát triển KH&CN. Việc áp dụng cơ chế Quỹ trong tài chính cho KH&CN đã tạo nhiều thuận lợi để tập trung đầu tư cho phát triển KH&CN.

Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được củng cố, góp phần lành mạnh hóa môi trường nghiên cứu và kinh doanh. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đo lường đáp ứng các yêu cầu của quản lý nhà nước đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người và bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, kém chất lượng; đồng thời bảo đảm nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế-xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chưa đáp ứng yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển KT–XH

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên theo đánh giá của Đoàn giám sát thì việc ban hành thực hiện chính sách phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và có khí chế tạo giai đoạn 2005-2015 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển KT–XH, cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, chưa giải đáp được kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới, chưa gắn kết chặt chẽ và đáp ứng được yêu cầu của phát triển KT–XH. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương chưa dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học nên đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và thiếu tính khả thi. Các thành tựu KH&CN chậm đi vào cuộc sống để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN thiếu quyết liệt và hiệu quả chưa cao. Thiếu các giải pháp đồng bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả của các cơ quan quản lý, cán bộ lãnh đạo các tổ chức KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ KH&CN của đất nước. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, lĩnh vực và các ngành, các cấp địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Báo cáo cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, chưa đồng bộ, khó có năng lực thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thực tiễn đặt ra. Trình độ KH&CN quốc gia nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Các tổ chức KH&CN, trong đó có các viện nghiên cứu, trường đại học chưa tạo thành một mạng lưới mạnh theo quy hoạch, phân bổ còn bất hợp lý giữa các vùng, miền và lĩnh vực hoạt động, còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Các viện nghiên cứu lớn chủ yếu tập trung ở hai đầu đất nước, thiếu các tổ chức KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra ở địa phương. Chưa có nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đạt trình độ quốc tế, kể cả trong khu vực ASEAN. Hiệu quả hoạt động của đa số tổ chức KH&CN chưa cao, vẫn nặng về tâm lý bao cấp, phụ thuộc vào NSNN, không muốn chuyển đổi sang hình thức hoạt động tự chủ, số đã chuyển đổi tự chủ thì vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Hai viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) chưa thực sự trở thành hạt nhân, đầu tàu thúc đẩy và lan tỏa phát triển KH&CN trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Đầu tư cho KH&CN chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động được nguồn lực xã hội, đặc biệt là đầu tư từ khu vực doanh nghiệp cho phát triển KH&CN vì vậy tổng đầu tư cho KH&CN còn ở mức thấp.

Bên ạnh đó, hệ thống dịch vụ KH&CN, bao gồm thông tin KH&CN, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng chưa được trang bị đủ cơ sở vật chất, do đó, năng lực cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế còn nhiều hạn chế. Việc hình thành các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ mới ở giai đoạn khởi đầu. Doanh nghiệp trong nước thường có ít kinh nghiệm thương thảo trong các giao dịch chuyển giao, mua công nghệ, nên nhiều trường hợp phải chấp nhận những điều kiện bất lợi và giá cao.

Thị trường KH&CN phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Hoạt động mua, bán công nghệ và chuyển giao kết quả nghiên cứu còn hạn chế, thiếu các tổ chức trung gian, môi giới, thiếu các quy định pháp lý cần thiết về đánh giá, định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ và giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho các tổ chức và cá nhân.

Báo cáo cũng khẳng định, các tổ chức KH&CN trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN trong nước được áp dụng vào sản xuất kinh doanh không cao, không có nhiều đề tài đăng ký được văn bằng sáng chế; có nghĩa là các đề tài nghiên cứu dẫn đến công nghệ mới rất ít. Nhìn chung trình độ công nghệ của các ngành sản xuất nước ta hiện lạc hậu khoảng 2-3 thế hệ công nghệ so với các nước trong khu vực…

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm