Startup Việt muốn thành công thì cần có tư duy toàn cầu
(Dân trí) - Đổi mới công nghệ sáng tạo là động lực thiết yếu để thúc đẩy mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian tới, trong đó, các Startup đóng vai trò cốt lõi. Tuy nhiên, để khai thác triệt để chiếc cầu nối công nghệ, các Startup Việt cần một tư duy toàn cầu hóa, sẵn sàng bước ra biển lớn ngay từ trước khi thành lập.
Tại chương trình Startup Show 2017 là chuỗi các chương trình nằm trong nhiệm vụ “Hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2017 (Đề án 844) do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp – BSSC tổ chức, bà Nguyễn Phi Vân – Thành viên sáng lập và phát triển công ty Wold Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, thành viên sáng lập và điều hành công ty Retail & Franchise Asia đã có những chia sẻ với Phóng viên.
Bà đánh giá thế nào về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay?
Bà Nguyễn Phi Vân: Trong những năm qua, chúng ta thấy có rất nhiều bước tiến rõ rệt đặc biệt là việc các bạn trẻ và các Startup ở Việt Nam tham gia vào Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và sử dụng công nghệ để xây dựng mô hình và giải pháp cho sản phẩm của mình. Những mô hình kinh doanh truyền thống đang mất dần đi trong các cuộc thi sáng tạo hiện nay, có những công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được các Startup triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển này mới chỉ ở bước khởi đầu và chưa nhìn thấy ứng dụng mang tính cao hơn, sâu hơn.
Chúng ta muốn có sự đột phá trong mô hình kinh doanh để hòa nhập với biển lớn cần ứng dụng nhiều công nghệ sâu và rộng hơn vào trong các giải pháp công nghệ của mình. Hi vọng trong những năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy sự hội nhập này của các Startup Việt Nam.
Theo bà các startup Việt Nam cần điều gì nhất từ phía Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp?
Bà Nguyễn Phi Vân: Điều đầu tiên, Nhà nước cần tạo môi trường để các Startup tiếp cận với những công nghệ mới nhất, những chương trình giáo dục mang tính ĐMST tốt nhất trên thế giới để các bạn trẻ thay đổi tư duy của mình, để khi chúng ta bắt đầu Startup trong thế kỷ 21 này chúng ta cần mang tính hội nhập. Nếu giai đoạn đầu là giai đoạn khởi động các Startup thì giai đoạn sau các Startup cần hội nhập vào trong môi trường của thế giới. Điều đó sẽ giúp các bạn có tầm nhìn đối với thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, các Startup cần học hỏi những công nghệ mới nhất, những mô hình kinh doanh mới nhất, xây được quan hệ cho mình mang tính quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở Việt Nam, sẽ mang lại sự đa dạng, kinh nghiệm và sự trải nghiệm nhiều hơn cho Startup Việt. Để cho các Startup Việt có thể thành công trên thị trường thế giới thì điều quan trọng là tư duy, tầm nhìn của các bạn về thị trường thế giới và sự hội nhập của các bạn vào trong kinh nghiệm, kiến thức của thế giới.
Có ý kiến cho rằng, trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nhà nước cần có sự đầu tư tập trung? Ý kiến của bà về vấn đề này?
Bà Nguyễn Phi Vân: Trong giai đoạn đầu là giai đoạn mới khởi động cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều Startup ở Việt Nam tham gia vào Hệ sinh thái khởi nghiệp này, vượt qua nỗi sợ hãi để cùng đưa ra ý tưởng mới.
Tuy nhiên, đến giai đoạn thứ sau Nhà nước cần tìm ra những “hạt giống” thực sự để cung cấp cho các bạn kiến thức, nền tảng, kỹ năng, tạo mối quan hệ với các nước để các bạn tham gia vào hoạt động khởi nghiệp thực sự được nâng tầm. Nếu chúng ta muốn có các Startup thành công thì chúng ta cần nâng tầm các Startup từ Việt Nam sang khu vực thế giới.
Khi các Startup được nâng tầm thì sẽ nhìn thấy rõ các ý tưởng và những dự án mang tính tiềm năng, không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà cần phải vươn ra thế giới. Ở giai đoạn này là giai đoạn chúng ta cần tập trung tìm kiếm những Startup mang tính tiềm năng cao.
Startup đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ “tư duy toàn cầu”? bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Bà Nguyễn Phi Vân: “Tư duy toàn cầu” là khi Startup Việt chưa đi đâu hết đã nghĩ đến việc cần phải có mặt trên toàn thế giới, chúng ta là một công dân có thể hoạt động trên toàn thế giới, tham gia kinh doanh trên toàn thế giới, tham gia vào các đội ngũ Startup khắp nơi trên toàn thế giới. Với tư duy như vậy là các bạn, đặc biệt là các bạn đã thay đổi cho mình cách tiếp cận với thế giới. Khi các bạn thay đổi tư duy như vậy, thì bạn mới có thể nâng lên một tầm mới. Có thể có bạn chỉ đi làm thuê, nhưng đã làm thuê ở tầm thế giới thì các bạn đã làm Startup ở tầm thế giới rồi. Tôi không cho rằng việc các bạn đi nhiều nước là các bạn có tư duy thế giới, tôi cho rằng tư duy nằm ở chỗ kiến thức, kinh nghiệm và khả năng hội nhập với toàn cầu của một cá nhân.
Startup Việt muốn thành công cần có tư duy toàn cầu.
Bà có lời khuyên gì với các startup trẻ khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Bà Nguyễn Phi Vân: Trong thế kỷ này và những thế kỷ sau thì sự phát triển của công nghệ đang dần thu hẹp khoảng cách giữa quốc gia và quốc gia. Khi bắt đầu cạnh tranh kinh doanh là lúc các Startup bắt đầu cạnh tranh với những Startup trong khu vực và trên thế giới. Với sự chuyển động của thị trường như vậy nếu các Startup Việt không thay đổi tư duy này, không nghĩ đến thị trường là toàn cầu, thì có lẽ các bạn trẻ đã tự giới hạn sự thành công của mình trong tương lai.
Các Startup Việt muốn thành công cần phải hội nhập vào tri thức và thị trường của thế giới, nếu chúng ta có một ý tưởng mới mà chúng ta chưa biết là với ý tưởng đó thì công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới là như thế nào, các Startup và doanh nghiệp trên thế giới hiện nay đang hoạt động với mức độ như thế nào, họ đã đi đến đâu, và đã vươn ra thị trường thế giới như thế nào. Nếu Startup không làm được những việc này tức là chúng ta đang quay ngược lại bánh xe lịch sử, làm lại những điều hết sức cơ bản mà thế giới đã đi qua và khả năng cạnh tranh của Startup Việt trên thị trường thế giới sẽ không được cao. Tôi hi vọng các bạn sẽ hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tri thức toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Trong nỗ lực hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp – BSSC đã nhận nhiệm vụ “Nâng cao năng lực cho cá nhân để trở thành huấn luyện viên/ cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thuộc Đề án 844 – Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 của Chính Phủ. Do đó, BSSC tổ chức Chương trình Startup Show 2017 - Nơi kết nối cộng đồng Startup và các bạn trẻ có khát vọng khởi nghiệp với giới đầu tư, kết nối mạng lưới Cố vấn và Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Chương trình Startup Show 2017 đã đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau cho các bạn chưa bao giờ tham gia vào Startup, chưa bao giờ có khái niệm về Startup cũng như các bạn đã Startup.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, những chương trình như thế này cần nhân rộng hơn nữa và ở mức độ rộng lớn hơn nữa để không chỉ bó hẹp ở các bạn sinh viên của một số trường tiếp cận được mà tất cả các bạn sinh viên của các trường khác trong cả nước được tiếp cận. Tinh thần đổi mới sáng tạo đưa vào các bạn trẻ thì quốc gia mới có nền tảng để phát triển mạnh .
Minh Hà (Thực hiện)