Ở các nước trên thế giới, bố mẹ cho con đi ngủ thế nào?

(Dân trí) - Giờ giấc và thói quen khi đi ngủ của mỗi trẻ, ở mỗi vùng miền rất khác nhau. Hãy cùng xem cha mẹ ở các nước cho con đi ngủ thế nào.

Ở các nước trên thế giới, bố mẹ cho con đi ngủ thế nào? - 1

Khoảng thời gian các gia đình trên khắp thế giới quây quần bên nhau khi chiều buông và tối về, trẻ con ngáp ngủ và thế là đã đến giờ lên giường.

Tuy vậy, các bé ngủ ở đâu, nằm lên giường lúc mấy giờ và thậm chí là làm gì trước khi chìm vào giấc ngủ thì lại rất khác nhau tùy vào từng nền văn hóa mà các bé lớn lên.

Nhiếp ảnh gia James Mollion, sống ở Venice, Ý, đã dành rất nhiều thời gian chụp và tập hợp thành sách các bức ảnh phòng ngủ của các em bé ở nhiều nơi trên thế giới. Ông bảo rằng trong khi đi chụp, ông đã gặp nhiều gia đình có cha mẹ con cái cùng ngủ trong một phòng hay bọn trẻ ngủ ở chỗ mà chúng thấy thuận tiện, thích thú chứ không phải trong chỗ được coi là phòng ngủ. “Tôi thấy mình thật may mắn là có phòng ngủ riêng từ khi còn nhỏ cho đến lúc lớn lên. Tôi đã gặp nhiều em nhỏ không có bất cứ thứ gì ngoài một chỗ để ngủ trong khi nhiều đứa trẻ không thể nhúc nhích vì xung quanh chật những đồ chơi.”

Giờ đi ngủ của các em bé rất khác nhau

Qua nghiên cứu giấc ngủ của các em bé và trẻ nhỏ trên toàn thế giới, Nhà tâm lí học y khoa Jodi Mindell - giáo sư Trường Đại học Philadelphia, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ của Bệnh viện Nhi Philadelphia - rất ngạc nhiên vì sự khác biệt vô cùng lớn giữa thời gian ngủ buổi tối của các bé ở các nước khác nhau. Bà mô tả sự khác biệt đó là “không thể ngờ”. Bà nói: “Khi tôi bắt tay vào tiến hành nghiên cứu này, tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ chỉ thấy giờ giấc dao động khoảng 10 – 15 phút. Nhưng hóa ra trên thực tế, sự chênh lệch đó rất nhiều, ví dụ như giữa một số nước như Úc và New Zealand so với Hongkong và Hàn Quốc, giờ đi ngủ của trẻ nhỏ chênh nhau đến 2,5 giờ đồng hồ và điều này là do sự khác biệt về văn hóa.”

Giáo sư Mindell và các đồng nghiệp đã phân tích các ý kiến trả lời khảo sát của cha mẹ của 29.287 trẻ mới sinh và trẻ nhỏ đến 3 tuổi ở các nước: Trung Quốc, Hongkong, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Lona, Thái Lan, Việt Nam, Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mĩ. Khảo sát được tiến hành từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2006 và từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2007 và trong tháng 4 năm 2008. Phân tích kết quả cho thấy trẻ đi ngủ muộn nhất là ở Hongkong, vào khoảng 10 giờ 17 phút tối, trong khi trẻ đi ngủ sớm nhất là ở New Zealand, khoảng 7 giờ 18 phút tối.

Ở các nước trên thế giới, bố mẹ cho con đi ngủ thế nào? - 2

Theo một nghiên cứu khác về hoạt động và thời gian đi ngủ của trẻ do giáo sư Sara Harkness – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa, Y tế và Phát triển con người của Trường Đại học Connecticut thực hiện, thì thời gian trẻ nhỏ ở các nước châu Âu đi ngủ cũng không giống nhau. Bà cho biết “Trong nghiên cứu tiến hành ở Tây Ban Nha, chúng tôi nhận thấy hầu hết trẻ nhỏ không hề đi ngủ sớm. Có một lần, một đồng nghiệp người Tây Ban Nha mời chúng tôi đến xem một buổi biểu diễn của một nhóm trẻ trước tuổi đến trường tại một lễ hội địa phương. Buổi biểu diễn đó khai mạc vào lúc 11 giờ tối.”

Sự khác biệt không chỉ ở thời điểm trẻ đi ngủ mà còn khác là các bé làm gì trước khi ngủ.

Cha mẹ cố mọi cách để cho con đi ngủ

Ở Mĩ, điều phổ biến là cha mẹ thường chuẩn bị cho con đi ngủ bằng cách tắm thư giãn cho bé, sau đó là hát ru hoặc với trẻ lớn hơn thì đọc truyện. Ở các nước khác nhau, hoạt động trước giờ đi ngủ cũng không giống nhau, và thậm chí ở một số nước, hầu như không có hoạt động nào.

“Một trong những điểm chung rõ rệt nhất là hầu hết các gia đình đều cho trẻ khoảng từ sơ sinh đến 3 tuổi ăn nhẹ trước khi đi ngủ, có thể là cho bú mẹ hoặc bú bình, hoặc là ăn một chút đồ ăn. Việc này phổ biến ở tất cả các nước, còn các hoạt động khác như tắm chẳng hạn, thì hoàn toàn tùy từng nơi” – giáo sư Mendell dẫn một nhận định trong nghiên cứu của mình. “Ở Mĩ, 60% các gia đình cho trẻ nhỏ tắm trước khi đi ngủ. Tỉ lệ này ở Anh còn cao hơn, 81%. Nhưng một số nước khác như Ấn Độ thì chỉ là 13%, Indonesia chỉ có 6%. Ở các nước mà con số này thấp thì các bé thường tắm vào buổi sáng hoặc thời điểm khác trong ngày. Ở một số khu vực, cầu nguyện là hoạt động trước giờ đi ngủ. Giáo sư Mindell cho biết “29% gia đình ở Philippines, tức là khoảng 1/3, cầu nguyện ngay trước giờ đi ngủ. Trong khi ở Úc, chỉ có 6%, và ở Indonesia là 30% các gia đình là cầu nguyện khi đi ngủ.”

Khi đến thời điểm phải tắt đèn, nhắm mắt ngủ, cha mẹ cũng có cách cách giúp con khác nhau.

Ở Hàn Quốc, cha mẹ thường ngủ cùng với em bé để giúp bé chìm vào giấc ngủ, nhưng cha mẹ ở Đan Mạch lại thường để em bé nằm lại một mình trong phòng để bé học cách tự ngủ. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, cha mẹ ở Đan Mạch thường áp dụng qui tắc “3 R” (rust, regelmaat, en reinheid” trong văn hóa của họ, có nghĩa là “nghỉ ngơi, điều độ và sạch sẽ”). Điều này tạo nên một thói quen cố định hình thành cho bé một giấc ngủ dài, vào thời điểm cố định ngay từ khi còn rất nhỏ.”

Ngủ cùng hay ngủ một mình?

Sự khác biệt về nếp ngủ cũng nằm ở việc ngủ cùng giường.

Giáo sư Harkness nói “Ngủ cùng là thói quen thông thường của mọi người trên thế giới vào thời kì tiền công nghiệp, khi chưa có giường riêng đảm bảo an toàn cho em bé ngủ một mình. Ngủ cùng một chiếu trải trên sàn nhà cũng là thói quen bình thường của người châu Á, nơi mà nhiều gia đình vẫn nhiều thế hệ ngủ cùng trong một phòng. Buổi tối, họ trải chiếu ra để ngủ và ban ngày thì cất đi, vì thế cùng một phòng có thể vừa làm phòng sinh hoạt, vừa làm phòng ngủ. Ở châu Âu, chúng tôi thấy nhiều bố mẹ ngủ cùng con đến khi bé chìm vào giấc ngủ, nhưng càng ngày họ càng bỏ dần thói quen đó theo lời khuyên về chăm sóc trẻ.”

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì khuyên cha mẹ tốt nhất là không ngủ cùng ngay từ khi bé mới được sinh, vì “không có đủ bằng chứng về việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ thì bố mẹ ngủ cùng em bé sẽ an toàn hay không an toàn”.

Cũng theo giáo sư Harkness, ở Mĩ, cha mẹ thường được hướng dẫn nghiêm ngặt hơn, nhất là những hướng dẫn của chuyên gia nhi khoa, về việc không nên ngủ chung với trẻ. Đây là một trong nhiều lời khuyên khác về cách thu xếp giấc ngủ cho trẻ, ví dụ như không dùng gối chặn quanh nôi, cho trẻ ngủ nằm ngửa, không đắp chăn cho trẻ sơ sinh. Tất cả những lời khuyên này nhằm tránh nguy cơ ngạt thở.”

Hình thành thói quen đi ngủ tốt là cực kì có lợi

Nói gì thì nói, thói quen đi ngủ tốt có ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển của trẻ - Giáo sư Mindell khẳng định. “Thói quen đi ngủ tốt không chỉ tốt cho giấc ngủ mà còn thúc đẩy sự phát triển tích cực toàn diện đến trẻ em. Thói quen đi ngủ tốt đều đặn không chỉ giúp trẻ ngủ ngon hơn mà còn thúc đẩy khả năng đọc, thu nhận, khả năng về ngôn ngữ, liên kết và tự chăm sóc – hay chính là tất cả những gì chúng ta muốn trẻ có được, cho dù các em sống ở Ấn Độ hay Mĩ, hay bất kì nơi nào khác trên thế giới.”

Phạm Hường (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm