Những hội chứng kỳ lạ khiến con người có vẻ ngoài đặc biệt
(Dân trí) - Trên thực tế, có không ít hội chứng đặc biệt khiến người mắt phải sở hữu những đặc điểm kiểu hình “có một không hai”,chẳng hạn như toàn thân trắng toát hay mắt nhiều màu!
Bạch biến là hội chứng mà người mắc phải sẽ mất dần màu sắc của các bộ phận trên cơ thể như: da, tóc và thậm chí là cả móng tay, móng chân. Ở thời điểm hiện tại, bạch biến là một căn bệnh mà giới y học cũng phải bó tay. Cô gái có làn da đặc biệt trong ảnh chính là Winnie Harlow, một người mẫu bị bạch biến từ nhỏ rất nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra, có thể kể đến một ngôi sao khác cũng bị mắc căn bệnh oái ăm này, đó chính là ông vua nhạc pop Michael Jackson.
Piebaldism là một hội chứng gen hiếm gặp khiến một mảng tóc kèm da đầu có màu trắng từ khi sinh ra. Được biết, căn nguyên của hiện tượng này, chính là sự thiếu hụt của một loại tế bào có tên gọi melanocytes trong cơ thể.
Bạch tạng có lẽ là một trong những hội chứng gây biến đổi hình thái được nhiều người biết đến nhất. Bệnh bạch tạng không những khiến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tóc chuyển sang màu trắng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc phải. Thông thường, người bị bạch tạng sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi tia UV trong ánh sáng mặt trời, thị lực bị giảm sút và thậm chí, đôi khi nó còn đi kèm với bệnh điếc bẩm sinh.
Đôi mắt tuyệt đẹp của cô gái trong ảnh chính là sản phẩm của một hội chứng đột biến gen có tên là heterochromia iridum. Được biết, sự đột biến này sẽ khiến các sắc tố bố trí rải rác và không đồng đều trên mống mắt, tạo ra một bản giao hưởng màu sắc trong “cửa sổ tâm hồn”.
Những tưởng cằm chẻ là một kiểu hình hết sức bình thường nhưng đó lại là sản phẩm của “đột biến gen”. Cụ thể, ngay từ giai đoạn phôi thai, sự thiếu hụt của một loại gen chức năng đã khiến xương cằm của thai nhi không thể khớp nối hoàn chỉnh. Đây cũng chính là nguồn gốc của những người sở hữu chiếc cằm chẻ, vốn được cho là biểu tượng của một tính cách mạnh mẽ.
Bạch tạng mắt là một hội chứng di truyền hiếm, khi mà chỉ có các hạt sắc tố ở giác mạc bị biến mất, thay vì cả cơ thể như ở bệnh bạch tạng toàn phần mà chúng ta thường thấy. Nếu bắt gặp một người sở hữu cặp mắt màu xanh dương hoặc xanh lá nhưng lại là thành viên của một gia đình có màu mắt đậm như đen, nâu (đặc biệt là người châu Phi hoặc châu Á), thì rất có thể đôi mắt của họ là sản phẩm của hội chứng này.
Thảo Vy
Theo BS